Hàng loạt nguyên thủ bị phiên dịch "lừa đau" tại tang lễ Mandela
(Dân trí) - Những người khiếm thính theo dõi lễ tang cố Tổng thống Nelson Mandela đã bị sốc và vô cùng tức giận khi người thực hiện phiên dịch bài phát biểu của các nguyên thủ sang ngôn ngữ cử chỉ thực chất hoàn toàn tự “sáng tạo” ra các ngôn ngữ cử chỉ suốt nhiều giờ.
Nhân viên phiên dịch ngôn ngữ cử chỉ đã được hàng triệu khán giả khắp Nam Phi cũng như thế giới theo dõi khi đứng cạnh các diễn giả chính, là các chính khách hàng đầu thế giới trong lễ tang, bao gồm Tổng thống Mỹ Obama và các con của ông Mandela.
Hàng trăm người khiếm thính đã tìm đến các mạng xã hội để bày tỏ sự tức giận về các cử chỉ của người này, trong đó có nhiều tổ chức khiếm thính khẳng định các cử chỉ của người này không thể hiện những bình luận được diễn giả đưa ra để vinh danh ông Mandela, biểu tượng của cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Paul Breckell, giám đốc điều hành tổ chức từ thiện Hành động vì khiếm thính tại Anh khẳng định với kênh NBC News: “Chúng tôi bị sốc bởi chất lượng phiên dịch ngôn ngữ cử chỉ tại lễ tưởng niệm Nelson Mandela – nếu họ có thể gọi đó là phiên dịch”.
Ông cho biết thêm rằng “sự hạn chế về số cử chỉ, số lần lặp lại, sự thiếu những biểu lộ cảm xúc và khoảng cách vời vợi trong phiên dịch có nghĩa là những người khiếm thính khắp thế giới hoàn toàn bị loại khỏi một trong những sự kiện lớn nhất của lịch sử gần đây”.
Trong số những người đầu tiên tỏ ra không hài lòng có Wilma Newhoudt-Druchen, người phụ nữ khiếm thính đầu tiên được bầu vào quốc hội Nam Phi. Bà Wilma đã chia sẻ trên Twitter rằng các cử chỉ đó là “vớ vẩn”, và khẳng định “anh ta không thể ra ký hiệu. Hãy đuổi anh ta xuống”.
David Buxton, giám đốc điều hành Hiệp hội người khiếm thính Anh khẳng định: “người đàn ông đó hoàn toàn là giả mạo”.
“Anh ta không thực sự biết chút gì về ngôn ngữ cử chỉ và chắc chắn đã khiến cộng đồng người khiếm thính Nam Phi thất vọng, bởi chúng tôi đã nhận được hàng trăm tin nhắn giận dữ trên Facebook và Twitter”, Buxton, người đã theo dõi buổi lễ cho biết.
Ông kêu gọi cho chính quyền Nam Phi “vạch mặt” người phiên dịch giả mạo trên. Buxton cho biết cũng chính người phiên dịch này đã phiên dịch cho Tổng thống Nam Phi Zuma trong một buổi diễn thuyết tại một sự kiện quân sự hồi năm ngoái.
Bruno Druchen, giám đốc quốc gia của Hiệp hội người khiếm thính Nam Phi cũng khẳng định với hãng tin AP rằng nhân viên phiên dịch trên sân khấu là giả.
Người đàn ông đó “khua tay lung tung nhưng không hề có ý nghĩa gì trong cách anh ta sử dụng tay”, Druchen nói.
Jackson Mthembu, người phát ngôn của đảng Đại hội dân tộc phi cầm quyền cho biết nhân viên phiên dịch này do chính phủ Nam Phi sắp xếp.
Xem clip phiên dịch giả “diễn trò” tại buổi lễ
Xem clip so sánh động tác của phiên dịch giả và phiên dịch thật được quay chậm
Thanh Tùng
Theo NBC