1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phía sau hiệp ước an ninh gây tranh cãi Trung Quốc- Solomon

Thanh Thành

(Dân trí) - Một thỏa thuận an ninh nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở quần đảo Solomon đã được ký kết, và đang gây ra làn sóng lo ngại lớn từ Mỹ cũng như nhiều nước khác.

Phía sau hiệp ước an ninh gây tranh cãi Trung Quốc-  Solomon - 1

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) tiếp đón người đồng cấp Solomon Manasseh Sogavare tại Bắc Kinh hồi năm 2019 (Ảnh: Getty).

Guardian đưa tin, các tầng lớp chính trị ở thủ đô Honiara đã bùng nổ tranh cãi về thỏa thuận an ninh Trung Quốc - Solomon, vốn có thể cho phép Bắc Kinh cử binh sĩ và cảnh sát tới quốc gia đồng minh ở Thái Bình Dương này, cũng như điều các tàu hải quân đến căn cứ trên quần đảo.

Đây chính là thỏa thuận an ninh song phương đầu tiên được biết đến giữa Trung Quốc và một quốc gia ở Thái Bình Dương, khu vực đã trở thành trọng tâm của cuộc giằng co địa chính trị và chiến lược giữa Trung Quốc với Mỹ và Australia trong thời gian gần đây.

Và nếu những lo ngại của Australia là đúng, một thỏa thuận như vậy cũng có thể cho phép Trung Quốc thiết lập một căn cứ quân sự cách biên giới phía đông của họ chưa đầy 2.000 km.

Ông Matthew Wale, lãnh đạo phe đối lập ở Solomon, nói rằng thỏa thuận được đàm phán bởi một nhóm nhỏ các quan chức được Thủ tướng Manasseh Sogavare tin tưởng, nhưng được giữ bí mật với tất cả những người khác.

Ban đầu, trước những thông tin rò rỉ về thỏa thuận, Australia đã cử hai phái đoàn đến Honiara, và trong tuần này, hai quan chức hàng đầu của Mỹ, bao gồm Kurt Campbell, điều phối viên hội đồng an ninh quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương, cũng đã đến Solomon.

Cuối ngày 19/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chính thức thông báo nước này đã ký hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon, động thái khiến các chính phủ phương Tây lo ngại.

Thông tin bị rò rỉ

Phía sau hiệp ước an ninh gây tranh cãi Trung Quốc-  Solomon - 2

Quần đảo Solomon nằm cách Australia khoảng 2.000 km (Ảnh: BBC).

Diễn biến trên cho thấy thỏa thuận được giữ kín đến mức nào, khi tin tức chỉ xuất hiện công khai 7 tháng sau khi những tin đồn đầu tiên lan ra.

Vào ngày 24/3, tiến sĩ Anna Powles, một giảng viên cao cấp về nghiên cứu bảo mật tại Đại học Massey ở New Zealand, đã đăng một loạt các tweet kèm các bức ảnh về thỏa thuận giữa Trung Quốc và Solomon bị rò rỉ, gióng lên hồi chuông cảnh báo khắp khu vực.

"Tôi thực sự đã rất cân nhắc về việc có nên đưa nó lên Twitter hay không. Với những nội dung bí mật về thỏa thuận, tôi chắc chắn thở phào vì vụ việc cuối cùng được đưa ra ánh sáng", tiến sĩ Powles nói và khẳng định: "Đây chính là những xác nhận rõ ràng về những gì mà Canberra và Wellington đã nghi ngờ từ lâu".

Trong những ngày sau thông tin về thỏa thuận này bị rò rỉ, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Peeni Henare, cho biết ông và người đồng cấp Australia Peter Dutton, đã "quá mất cảnh giác" với bản dự thảo thỏa thuận.

Ông Henare nói với Stuff: "Cả hai chúng tôi đều ngạc nhiên vì thông tin nhận được không khớp với điều đó. Chúng tôi biết rằng có một số vấn đề liên quan đến Trung Quốc, nhưng bản dự thảo thỏa thuận bị rò rỉ… điều đó đã làm tôi và thậm chí cả Bộ trưởng Dutton rất bất ngờ".

Cựu Cao ủy Australia tại Quần đảo Solomon, James Batley, nói rằng bí mật xung quanh thỏa thuận là điều được dự đoán. "Chính phủ quần đảo Solomon chắc chắn đã dự đoán được phản ứng của Australia, New Zealand, Mỹ..., vì vậy tôi nghĩ rằng, điều họ muốn làm là hoàn thành dự thảo trước khi nó được công khai".

Australia, New Zealand và Mỹ đặc biệt lo ngại thỏa thuận có thể cho phép Trung Quốc thiết lập một căn cứ quân sự chỉ cách bờ biển phía đông của Australia 2.000 km.

Ngoài ra, nội dung dự thảo cho thấy Trung Quốc cũng được phép "thực hiện các chuyến ghé cảng, bổ sung hậu cần và có điểm dừng chân và tiếp liệu tại Quần đảo Solomon".

"Đó là mối quan tâm lớn nhất của thỏa thuận này đối với Australia... Đối với Australia, đó có thể là một cơn ác mộng chiến lược, nhưng nó cũng… đáng lo ngại đối với các quốc đảo Thái Bình Dương khác cũng vì lý do tương tự", ông Batley nhận định.

Kể từ khi dự thảo thỏa thuận bị rò rỉ, Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare đã tìm cách xoa dịu những lo ngại này khi tuyên bố nhấn mạnh, đất nước của ông không có ý định cho phép đặt căn cứ hải quân của Trung Quốc và quyết liệt bảo vệ quyền đưa ra các quyết định chính sách đối ngoại.

Nhà lãnh đạo trên nói thêm rằng "cảm thấy bị xúc phạm khi bị chỉ trích là không thích hợp để quản lý các vấn đề chủ quyền an ninh quốc gia". Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Trung Quốc cũng khẳng định: "Chúng tôi không quan tâm đến việc xây dựng một căn cứ hải quân ở quần đảo Solomon ở đây".

Thủ tướng Scott Morrison dường như cũng bị thuyết phục khi nói rằng, Thủ tướng Sogavare đã "nói rất rõ ràng rằng họ không chấp nhận bất kỳ căn cứ quân sự nào ở Quần đảo Solomon. Họ không làm như vậy".

Tuy nhiên, chính cấp phó của ông, Phó Thủ tướng Barnaby Joyce, lại lên tiếng cảnh báo: "Nếu họ làm theo, Trung Quốc có thể thiết lập một căn cứ quân sự ở đó".

Theo Guardian