Bạo động ở Kyrgyzstan:
Phe đối lập lập chính phủ mới, không rõ số phận tổng thống
(Dân trí) - Những người biểu tình đối lập tuyên bố thành lập chính phủ mới, giải tán quốc hội ở Kyrgyzstan. Tổng thống Bakiyev rời thủ đô Bishkek, Thủ tướng từ chức. Hơn 100 người chết do xung đột. Đó là những diễn biến dồn dập từ nước Trung Á này.
Hơn 100 người thiệt mạng, ít nhất 400 người bị thương
“Thủ tướng từ chức, chính phủ mới thành lập”
Những người biểu tình đối lập tuyên bố đã thành lập được chính phủ mới từ tối hôm qua, 7/4, trong bối cảnh đã có hơn 100 người thiệt mạng và ít nhất 400 người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa phe này với cảnh sát ở Bishkek.
Thủ lĩnh chủ chốt của phe đối lập Temir Sariev nói ngày 7/4, một chính phủ mới, do Roza Otunbayeva – cựu Ngoại trưởng và thủ lĩnh phe Dân chủ Xã hội, đứng đầu, đã được lập ra.
Ông này cũng khẳng định Thủ tướng Daniyar Usenov đã ký đơn từ chức và phe đối lập đã vào được tòa nhà nơi đặt cơ quan đầu não của chính phủ. Phe đối lập còn chiếm dinh tổng thống, Roza Otunbayeva nói, và đã “hoàn toàn kiểm soát tình hình”.
Liên minh đối lập ở Kyrgyzstan tuyên bố đã thành lập chính phủ lâm thời và sẽ điều hành đất nước Trung Á này trong 6 tháng.
Lãnh đạo đối lập Roza Otunbayeva hôm nay cho hay bà sẽ lãnh đạo chính phủ mới, đã giải tán quốc hội và sẽ đảm đương các nghĩa vụ pháp luật. Pháp biểu trong một cuộc họp báo, bà cho biết chính phủ mới sẽ tiến hành đàm phán với Tổng thống Kurmanbek Bakiyev, người đã rời khoải thủ đô và được cho là đang ở đâu đó tại vùng miền trung Jalal-Abad.
Bà Otunbayeva cũng cho biết chính phủ mới sẽ sửa đổi luật bầu cử và luật về các đảng chính trị mà ông Bakiyev đã thay đổi nhằm đảm bảo sự thống trị của ông trong quốc hội.
Theo các hãng tin nước ngoài, đến sáng nay, tình hình ở thủ đô Bishkek có vẻ lắng dịu hơn so với chỉ vài tiếng trước. Người biểu tình đã giải tán bớt. Truyền hình đã phát lời kêu gọi hiến máu khẩn cấp để điều trị cho những người bị thương.
Tổng thống đi đâu?
Tin tức đang “rối tinh” xung quanh sự tồn tại của chính phủ được coi là đồng minh của Mỹ ở Trung Á này.
Trước đó, chủ tịch đảng Ak-Shumkar là Temir Sariyev xác nhận ông Bakiyev không có mặt trong Tòa nhà Chính phủ ở Bishkek. “Chúng tôi không biết ông ở đâu, nhưng chúng tôi chắc là ông không ở Bishkek”, thủ lĩnh đối lập này nói.
Theo những nguồn tin chưa được xác định, Tổng thống Kurmanbek Bakiyev đã rời khỏi nước này bằng máy bay, nhưng không rõ điểm đến của ông. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao trong đảng Dân chủ Xã hội đối lập khẳng định máy bay của ông Bakiyev đã hạ cánh xuống thành phố Osh ở phía nam.
Theo hãng thông tấn quốc gia, Bộ trưởng Nội vụ Moldomus Kongantiyev đã bị giết hại ở Talas, nơi biểu tình bùng phát đầu tiên. Phó Thủ tướng Akylbek Zhaparov trước đó đã bị những người biểu tình bắt làm con tin.
Ngọn nguồn bạo động
Cách đây năm năm, ông Bakiev đã lên nắm quyền sau cuộc cách mạng hoa tuy líp và hứa hẹn sẽ dân chủ hóa quốc gia này. Tuy nhiên, kể từ đó, phần lớn những người bạn đường của đương kim tổng thống đã từ bỏ ông để tham gia vào hàng ngũ đối lập. Họ lên án ông là độc đoán.
Trưa hôm qua, 7/4, người biểu tình phe chống đối tụ tập trước Phủ Tổng thống yêu cầu Tổng thống và Thủ tướng phải ra đàm phán trực tiếp, nếu không sẽ chiếm Phủ Tổng thống. Hàng loạt người biểu tình đã xung đột giáp lá cà với cảnh sát.
Cuộc biểu tình này là một phần trong chiến dịch biểu tình trên toàn quốc do phe đối lập phát động. Những người biểu tình tuyên bố đã “chán ngấy” với tình trạng nhiên liệu tăng giá và muốn Tổng thống Kurmanbek Bakiyev phải từ chức. Họ thề không lùi bước trước cuộc đàn áp của chính phủ.
Nga kêu gọi kiềm chế, Mỹ “theo dõi sát tình hình”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao P.J. Crowley và người phát ngôn Hội đồng an ninh Quốc gia của Nhà Trắng Mỹ Mike Hammer đang theo dõi sát tình hình ở Kyrgyzstan và lo ngại về những tin bạo lực và cướp bóc, thúc giục các bên kiềm chế để tránh đổ máu.
Tổng thư ký Ban Ki-moon hôm qua nói ông “bị sốc” trrước tin bạo động đẫm máu ở Kyrgyzstan, kêu gọi các bên bình tĩnh đối thoại, tránh tình hình xấu đi.
Thủ tướng Nga khẳng định không can dự
Căn cứ không quân của Nga ở Kyrgyzstan đã được đặt trong tình trạng báo động cao sau cuộc bạo động ở nước này. Nga và Mỹ đều có căn cứ quân sự ở Kyrgystan. Biến động này nêu lên những nghi vấn về tương lai căn cứ không quân Mỹ tại Kyrgyzstan yểm trợ cho các hoạt động quân sự tại Afghanistan.