1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phe Cộng hòa tìm "nước cờ" cuối cùng để đảo ngược kết quả bầu cử

Minh Phương

(Dân trí) - Một thượng nghị sĩ Mỹ vừa đắc cử để ngỏ tham gia vào nỗ lực chưa từng có nhằm lật ngược kết quả bầu cử tại phiên họp quốc hội vào đầu tháng sau. Tổng thống Donald Trump đã ca ngợi động thái này.

Phe Cộng hòa tìm nước cờ cuối cùng để đảo ngược kết quả bầu cử  - 1
Thượng nghị sĩ vừa đắc cử của bang Alabama Tommy Tuberville (Ảnh: Washington Post)

Theo Washington Post, thượng nghị sĩ vừa đắc cử của bang Alabama Tommy Tuberville trong tuần này tuyên bố để ngỏ khả năng ký vào đơn đề nghị của một hạ nghị sĩ nhằm khiếu nại kết quả bỏ phiếu đại cử tri hôm 14/12. Phát biểu trong một video vận động tranh cử cho đảng Cộng hòa ở "điểm nóng" Georgia , ông Tuberville nói rằng các thượng nghị sĩ nên phản đối kết quả bầu cử khi quốc hội họp để kiểm phiếu đại cử tri và phê chuẩn kết quả vào ngày 6/1 tới.

"Các bạn sẽ thấy những gì sắp xảy ra. Các bạn đã thấy điều gì ở Hạ viện. Chúng ta phải làm gì đó ở Thượng viện", ông Tuberville nói.

Đại diện của ông Tuberville chưa trả lời yêu cầu bình luận về kế hoạch tham gia vào nỗ lực phản đối kết quả bầu cử, song ông Stan McDonald, chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông Tuberville, cho biết hôm 15/12 rằng ông Tuberville và Thượng nghị sĩ Ted Cruz là hai ứng viên sáng giá để thách thức kết quả bầu cử tại Thượng viện. "Tôi không rõ liệu ông ấy có làm điều đó hay không, nhưng tôi biết ông ấy đang cân nhắc vấn đề này rất nghiêm túc", ông McDonald nói.

Ngay sau những tin tức về ông Tuberville, Tổng thống Trump đã đăng lại ít nhất 4 bình luận ủng hộ chính trị gia này. Chủ nhân Nhà Trắng cũng ca ngợi ông Tuberville là người dũng cảm, đồng thời kêu gọi các thượng nghị sĩ Cộng hòa khác tham gia vào nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử.

Những động thái của các thượng nghị sĩ Cộng hòa vào lúc này đặc biệt được quan tâm sau khi hạ nghị sĩ Cộng hòa Alabama Mo Brooks dẫn đầu một nhóm nghị sĩ ở Hạ viện lên kế hoạch đảo ngược kết quả bỏ phiếu đại cử tri tại quốc hội. Ông Brooks đang lên kế hoạch thách thức kết quả bầu cử ở 5 bang gồm Arizona, Pennsylvania, Nevada, Georgia và Wisconsin. Họ đưa ra hàng loạt cáo buộc khác nhau nhằm vào những bang này, từ gian lận bỏ phiếu đến sai phạm trong tổ chức bầu cử bất chấp các bang này đã chứng nhận kết quả và không phát hiện bằng chứng nào về gian lận diện rộng có thể làm thay đổi kết quả.

Theo hiến pháp Mỹ cũng như Đạo luật về kiểm phiếu đại cử tri ra đời năm 1887, thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri đoàn cần được đệ trình dưới dạng văn bản, có chữ ký của một thành viên Hạ viện và một thành viên Thượng viện.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử tại quốc hội khó thành công. Mỗi đề nghị thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri ở quốc hội sẽ được Thượng viện và Hạ viện xem xét riêng rẽ. Chỉ khi lưỡng viện cùng tán thành, kết quả bầu cử mới bị vô hiệu hóa. Kể từ thế kỷ 19 đến nay, quốc hội Mỹ chưa từng hủy bỏ kết quả bỏ phiếu đại cử tri.

Kết quả bỏ phiếu đại cử tri hôm 14/12 cho thấy, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden đắc cử với 306 phiếu, trong khi ông Trump chỉ giành 232 phiếu. Ông Trump và các đồng minh đến nay vẫn chưa công nhận kết quả này và tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi cuộc chiến pháp lý nhằm lật ngược kết quả dù các vụ kiện gian lận bầu cử mà đội ngũ của ông theo đuổi đến nay đều bị bác bỏ.