Đồng minh của ông Trump tính lật ngược kết quả ở quốc hội
(Dân trí) - Một số nghị sĩ Cộng hòa lên kế hoạch thách thức kết quả bỏ phiếu của đại cử tri đoàn tại quốc hội. Nỗ lực lật ngược kết quả này có thể sẽ khiến đảng Cộng hòa rơi vào thế khó.
Theo New York Times, một nhóm trung thành nhất với Tổng thống Donald Trump ở quốc hội Mỹ được cho là đang lên kế hoạch nhằm lật ngược kết quả bầu cử vào phút chót khi quốc hội họp toàn thể vào ngày 6/1/2021 để kiểm phiếu đại cử tri đoàn và tuyên bố ứng viên đắc cử tổng thống.
Người dẫn đầu nỗ lực này là Hạ nghị sĩ Mo Brooks, nghị sĩ Cộng hòa đại diện bang Alabama. Cùng với một nhóm đồng minh khác ở Hạ viện, ông Brooks đang lên kế hoạch thách thức kết quả bầu cử ở 5 bang gồm Arizona, Pennsylvania, Nevada, Georgia và Wisconsin. Họ đưa ra hàng loạt cáo buộc khác nhau nhằm vào những bang này, từ gian lận bỏ phiếu đến sai phạm trong tổ chức bầu cử bất chấp các bang này đã chứng nhận kết quả và không phát hiện bằng chứng nào về gian lận diện rộng có thể làm thay đổi kết quả.
"Theo hiến pháp, chúng tôi có vai trò lớn hơn nhiều so với Tòa án Tối cao hay bất cứ thẩm phán liên bang hoặc tiểu bang nào. Ý chúng tôi là phán quyết cuối cùng", ông Brooks nói.
538 đại cử tri (hay đại cử tri đoàn) của Mỹ dự kiến bỏ phiếu vào hôm nay 14/12 để chính thức bầu ra tổng thống. Đến ngày 6/1/2021, Hạ viện và Thượng viện sẽ họp phiên toàn thể để kiểm phiếu đại cử tri. Nếu ứng viên nào giành được tối thiểu 270 phiếu sẽ được xác nhận là tổng thống đắc cử. Trong trường hợp không ứng viên nào đủ 270 phiếu, Hạ viện sẽ tổ chức một cuộc bầu cử ngẫu nhiên. Mỗi bang có một phiếu bầu, ứng viên nào nhận được 26 phiếu sẽ thắng cử.
Theo hiến pháp Mỹ cũng như Đạo luật về kiểm phiếu đại cử tri ra đời năm 1887, thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri đoàn cần được đệ trình dưới dạng văn bản, có chữ ký của một thành viên Hạ viện và một thành viên Thượng viện. Hiện chưa có Thượng nghị sĩ Cộng hòa nào công khai tuyên bố sẽ ủng hộ kế hoạch của ông Brooks mặc dù rất nhiều đồng minh đáng tin cậy của ông Trump, trong đó có Thượng nghị sĩ Wisconsin Ron Johnson và Thượng nghị sĩ Kentucky Rand Paul phát tín hiệu họ sẵn sàng tham gia vào nỗ lực đó.
Kế hoạch lật ngược kết quả trên được đưa ra trong bối cảnh các vụ kiện bầu cử của ông Trump đến nay đều thất bại, tia hy vọng mong manh từ vụ kiện của Texas nhằm vào 4 bang chiến trường của tắt ngấm sau khi bị Tòa án Tối cao bác bỏ. Sau phán quyết của Tòa án Tối cao, ông Trump và các đồng minh tuyên bố "cuộc chơi chưa kết thúc" và sẽ "chiến đấu đến cùng".
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử tại quốc hội khó thành công. Mỗi đề nghị thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri ở quốc hội sẽ được Thượng viện và Hạ viện xem xét riêng rẽ. Chỉ khi lưỡng viện cùng tán thành, kết quả bầu cử mới bị vô hiệu hóa. Tuy vậy, kể từ thế kỷ 19 đến nay, quốc hội Mỹ chưa từng hủy bỏ kết quả bỏ phiếu đại cử tri.
Mặt khác, nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử ở quốc hội có thể gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa. Phó tổng thống Mike Pence sẽ là một trong những chính trị gia rơi vào tình thế khó xử nhất. khi buộc phải cân bằng giữa lòng trung thành với Tổng thống Trump và nghĩa vụ hiến pháp cũng như những tính toán cho tương lai chính trị của bản thân.
Dựa vào kết quả kiểm phiếu phổ thông của các bang, truyền thông Mỹ tính toán rằng ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden sẽ đắc cử với 306 phiếu đại cử tri, trong khi ông Trump chỉ giành 232 phiếu. Ông Trump không chấp nhận kết quả này và cáo buộc cuộc bầu cử đã bị gian lận tại nhiều bang.