1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Phát hiện "vũ khí" chống Covid-19 nhờ cảm lạnh

Minh Phương

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu hy vọng, phát hiện mới về mức độ cao của tế bào T được tạo ra do cảm lạnh thông thường có thể mở đường cho việc phát triển vaccine chống lại Covid-19.

Phát hiện vũ khí chống Covid-19 nhờ cảm lạnh - 1

Cảm lạnh có thể giúp tăng số lượng tế bào T trong cơ thể giúp chống lại nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 (Ảnh minh họa: Science).

Hãng tin RT dẫn một nghiên cứu mới công bố ngày 10/1 của các nhà khoa học thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) cho biết, mức độ tế bào T tạo ra trong cơ thể do cảm lạnh thông thường có thể giúp một người giảm nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Nghiên cứu được đánh giá là một "phát hiện quan trọng" và là bằng chứng đầu tiên về vai trò bảo vệ của tế bào T trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

"Nghiên cứu của chúng tôi đưa ra bằng chứng rõ ràng nhất từ trước đến nay rằng tế bào T tạo ra do virus corona cảm lạnh thông thường có vai trò bảo vệ cơ thể chống lại nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2", Giáo sư Ajit Lalvani, đồng tác giả của nghiên cứu, viết. Ông cho biết thêm rằng, các tế bào T này bảo vệ cơ thể bằng cách tấn công các protein bên trong virus thay vì các protein gai trên bề mặt.

Theo các tác giả nghiên cứu, cơ chế tấn công này của tế bào T có thể mở đường cho việc bào chế một loại vaccine mới nhằm đối phó với Covid-19. Các vaccine Covid-19 hiện thời nhắm mục tiêu vào protein gai mà virus dùng để xâm nhập vào tế bào người. Tuy nhiên, Protein gai vốn đột biến thường xuyên, tạo ra các biến chủng mới như Omicron, từ đó làm giảm hiệu quả của các vaccine chống lại nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 có triệu chứng.

"Tế bào T nhắm đến các protein bên trong virus mà chúng tôi xác định là ít đột biến hơn nhiều. Do đó, chúng được bảo tồn cao giữa các biến chủng SARS-CoV-2 khác nhau, bao gồm cả Omicron. Vắc xin mới với các protein bên trong được bảo tồn này, sẽ tạo ra các đáp ứng tế bào T bảo vệ rộng rãi để chống lại các biến chủng hiện tại và trong tương lai", ông Lalvani nói.

Nghiên cứu trên được các nhà khoa học bắt đầu tiến hành từ tháng 9/2020, thời điểm mà hầu hết người Anh vẫn chưa mắc Covid-19. Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu của 52 người tham gia thí nghiệm trong vòng 6 ngày kể từ khi họ tiếp xúc với F0 nhằm xác định mức độ phản ứng chéo của tế bào T được tạo ra khi mắc bệnh cảm cúm thông thường trước đây và xem những người này có nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Kết quả cho thấy rằng 26 người không mắc Covid-19 có mức độ tế bào T cao hơn đáng kể so với những người nhiễm SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, nghiên cứu không nêu rõ liệu khả năng bảo vệ của tế bào T kéo dài bao lâu. Rhia Kundu, một tác giả của nghiên cứu, cũng nhấn mạnh rằng, tế bào T chỉ là một dạng bảo vệ giúp cơ thể chống lại nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2, nhưng không nên chỉ dựa vào "vũ khí" này. Ông cho biết, tiêm chủng vaccine vẫn là cách hiệu quả nhất để chống lại Covid-19.

Những phát hiện trên được đưa ra trong bối cảnh thế giới đang đối phó với làn sóng Covid-19 mới do biến chủng Omicron gây ra. Biến chủng này được cho là dễ lây lan hơn và có khả năng né miễn dịch. Trước đó, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Australia và Hong Kong (Trung Quốc) cũng chỉ ra rằng, tế bào T - tuyến phòng thủ thứ hai trong hệ thống miễn dịch của cơ thể con người - có khả năng tăng cường phản ứng miễn dịch chống lại biến chủng Omicron.

Theo www.rt.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm