Phát hiện tín hiệu khả nghi, Indonesia "chạy đua" tìm tàu ngầm mất tích
(Dân trí) - Hàng loạt tàu chiến và trực thăng đã được Indonesia huy động để rà soát ngoài khơi đảo Bali trong nỗ lực tìm kiếm tàu ngầm chở 53 người mất tích.
Người phát ngôn quân đội Indonesia Achmad Riad cho biết vị trí cuối cùng phát hiện tàu ngầm KRI Nanggala-402 cách hòn đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia 23 hải lý.
"Hải quân Indonesia đang tiến hành tìm kiếm tại vị trí cuối cùng mà tàu ngầm được phát hiện", Thiếu tướng Achmad Riad phát biểu trong cuộc họp báo từ căn cứ không quân Ngurah Rai của Bali hôm nay 22/4.
Theo Bộ Quốc phòng Indonesia, tàu KRI Nanggala-402 chở 53 người liên lạc lần cuối với sở chỉ huy vào lúc 3 giờ sáng ngày 21/4. Tàu dự kiến thực hiện một cuộc diễn tập phóng ngư lôi sau khi xin phép lặn xuống biển sớm. Tuy nhiên, tàu bị mất liên lạc hoàn toàn từ đó đến nay.
Thiếu tướng Achmad cho biết hoạt động tìm kiếm đã bắt đầu từ ngày 22/4 ngay sau khi con tàu được phát hiện không nổi như trong lịch trình huấn luyện.
"Đã có dầu tràn và mùi của nhiên liệu diesel ở một số địa điểm khác nhau, nhưng chưa thể kết luận đó là nhiên liệu từ tàu ngầm", người phát ngôn của quân đội Indonesia cho biết.
Người phát ngôn của Hải quân Indonesia Julius Widjojono cho biết dầu tràn được cho là "rất có khả năng" xuất phát từ tàu ngầm mất tích.
"Vị trí dầu tràn đó là lần cuối cùng chúng tôi liên lạc với tàu ngầm", ông Julius nói.
"Cơ hội an toàn cho thủy thủ rất thấp"
Hải quân Indonesia cho biết sự cố về điện có thể đã xảy ra trong lúc tàu làm nhiệm vụ, khiến tàu bị mất kiểm soát và không thể thực hiện các quy trình khẩn cấp để có thể nổi lại lên mặt nước. Tàu KRI Nanggala-402 dường như đã chìm xuống độ sâu khoảng 600-700 mét, trong khi chỉ có thể chịu được áp lực ở độ sâu khoảng 250 mét.
Các chuyên gia cho rằng, ở độ sâu này con tàu có thể bị vỡ tung và cơ hội an toàn cho thủy thủ là rất thấp.
"Nếu chìm xuống độ sâu 700, có thể nó sẽ vỡ tan", Đô đốc Hải quân Pháp Antoine Beaussant bình luận với AFP khi cho biết con tàu KRI Nanggala 402 không được thiết kế để có thể chịu được áp lực ở độ sâu như vậy.
Ngoài dấu hiệu tràn dầu, một chuyển động dưới nước cũng được phát hiện tại khu vực tàu ngầm mất tích.
"Tàu hải quân KRI REM 331 cũng phát hiện chuyển động khả nghi với tốc độ 2,5 hải lý/giờ dưới biển. Nhưng sau đó, tín hiệu này biến mất nên không có đủ dữ liệu để kết luận đó là tín hiệu từ tàu ngầm mất tích", Thiếu tướng Achmad Riad cho biết.
Bộ Quốc phòng Indonesia đã điều 5 tàu chiến và trực thăng tới vùng biển ngoài khơi đảo Bali để tìm kiếm tàu ngầm mất tích. Tàu thăm dò KRI Rigel, tàu hộ vệ Fatahillah, tàu săn ngầm Teuku Umar, tàu quét mìn Rengat được huy động để tham gia nỗ lực tìm kiếm.
Người phát ngôn Hải quân Indonesia Julius Widjojono cho biết, đội tìm kiếm đang tập trung vào các khu vực phát hiện vệt dầu loang, nhưng hiện chưa thể xác định được vị trí chính xác của con tàu.
"Hôm nay sẽ có khoảng 400 người được điều động tìm kiếm", ông Widjojono nói và cho biết 6 tàu chiến và 1 trực thăng đã được triển khai để tìm kiếm con tàu.
Nhiều nước trợ giúp tìm kiếm
Theo Bộ Quốc phòng Indonesia, giới chức nước này cũng đã phát tín hiệu khẩn cấp tới Văn phòng Liên lạc Cứu hộ Tàu ngầm Quốc tế (ISMERLO). Một số nước như Singapore, Australia, Ấn Độ đã phản hồi và cam kết sẵn sàng hỗ trợ chiến dịch tìm kiếm tàu ngầm mất tích.
Nhiều nước cũng đã đề nghị giúp đỡ Indonesia, trong đó có Mỹ, Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga.
Singapore đã điều tàu cứu hộ tàu ngầm MV Swift Rescue tới hỗ trợ tìm kiếm tàu ngầm của Indonesia. Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen cho biết tàu MV Swift Rescue đã được điều động "nhanh nhất có thể để sẵn sàng" vào cuộc sau khi người đứng đầu hải quân Singapore nhận được yêu cầu hỗ trợ từ người đồng cấp Indonesia. Tàu của Singapore dự kiến tới khu vực tìm kiếm vào ngày 24/4.
Tàu MV Swift Rescue, có tốc độ tối đa 12 hải lý/giờ và có thể hoạt động trên biển liên tục trong 28 ngày, được trang bị tàu lặn sâu DSAR 6. DSAR 6 có thể lao sâu xuống biển, kết nối với tàu ngầm gặp nạn, giải cứu những người mắc kẹt bên trong và đưa họ trở lại tàu.
Malaysia cũng điều tàu cứu hộ MV Mega Bakti hỗ trợ Indonesia. Tàu này dự kiến tới khu vực tìm kiếm vào ngày 25/4.
Indonesia trước kia từng sở hữu 12 tàu ngầm, nhưng hiện tại chỉ còn 5 tàu ngầm, trong đó 2 tàu do Đức đóng và bàn giao năm 1981, và 3 tàu ngầm mới hơn do Hàn Quốc chế tạo.