1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Phát hiện siêu biến chủng SARS-CoV-2 có 34 đột biến

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã phát hiện một chủng virus SARS-CoV-2 có số đột biến nhiều kỷ lục, làm dấy lên lo ngại rằng thế giới chưa thể thoát khỏi đại dịch Covid-19 trong "một sớm, một chiều".

Phát hiện siêu biến chủng SARS-CoV-2 có 34 đột biến - 1

Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới (Ảnh: Reuters).

Theo News.com.au, các nhà nghiên cứu từ Bộ Y tế Angola, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, Đại học Oxford (Anh) và Đại học Cape Town (Nam Phi) cùng viện KRISP (Ấn Độ) đã cảnh báo về sự xuất hiện của một biến chủng SARS-CoV-2 với 34 đột biến.

Trong số 34 đột biến trên, có 14 đột biến liên quan tới gai protein - bộ phận giúp virus bám và xâm nhập vào tế bào người để gây bệnh Covid-19.

Con số 34 đột biến xảy ra trên một biến chủng được xem là kỷ lục thế giới, vì các chủng nguy hiểm trước đây đều có số lượng ít hơn nhiều. Ví dụ, chủng có nguồn gốc từ Brazil có 18 đột biến, gồm 10 đột biến ở phần gai. Trong khi đó, biến chủng phát hiện lần đầu ở Anh có 17 đột biến, gồm 8 đột biến ở gai protein.

Việc phát hiện siêu biến chủng mới, cùng với một số chủng có khả năng "qua mặt" các kháng thể ngăn Covid-19 khiến giới khoa học lo ngại Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Theo News.com.au, biến chủng mới có 34 đột biến lần đầu được phát hiện trên 3 người di chuyển từ Tanzania tới Angola vào giữa tháng 2. Các nhà khoa học đã kêu gọi việc "nghiên cứu khẩn cấp" biến chủng này.

Họ cũng cảnh báo Tanzania đang gặp nguy hiểm vì quốc gia châu Phi này "có nhiều ca Covid-19 chưa được thống kê". Tanzania hiện mới ghi nhận 509 ca bệnh và 21 trường hợp tử vong - con số được cho là thấp hơn nhiều so với tình hình thực tế. Trước đó, chính phủ Tanzania thậm chí còn kêu gọi người dân cầu nguyện và xông hơi bằng thảo dược để tiêu diệt virus.

Một lo ngại khác rằng, nếu biến chủng 34 đột biến lây lan mạnh, nó có thể tiếp tục đột biến tiếp và có thể trở nên dễ lây lan, dễ gây tử vong và dễ lách qua kháng thể.

Tiến sĩ William A Haseltine, cựu giáo sư Đại học Harvard của Mỹ, bày tỏ quan ngại về biến chủng mới do số lượng đột biến của nó quá lớn.

Biến chủng mới hiện được tạm đặt tên là A. VOI. V2, trong khi Tiến sĩ Haseltine gọi nó là "biến chủng Tanzania".

Ấn Độ phá kỷ lục thế giới về ca bệnh mới

Thông tin về biến chủng mới được đăng tải vào thời điểm nhiều nơi trên thế giới vẫn đang phải "vật lộn" với đại dịch.

Ấn Độ ngày 22/4 đã phá kỷ lục thế giới khi ghi nhận 314.835 ca bệnh mới chỉ trong 24 giờ. Tổng số ca bệnh ở quốc gia này cho tới nay là 15,9 triệu người và số người tử vong là 184.657.

Ấn Độ vẫn đang xếp sau Mỹ về số ca bệnh và số người thiệt mạng, nhưng quốc gia Nam Á đã phá kỷ lục của Mỹ ghi nhận hồi tháng 1 - 297.430 ca trong 24 giờ.

Dịch bệnh bùng nổ ở Ấn Độ được cho là do một biến chủng mới mang tên B1617, gồm 2 đột biến khiến nó trở nên dễ lây nhiễm hơn chủng ban đầu.

Trong khi đó, tại Nam Mỹ, Brazil vẫn đang đối mặt với sự lây lan không kiểm soát của dịch bệnh do biến chủng P1.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng, tình hình dịch bệnh trên toàn cầu "chưa thể kết thúc" khi các siêu biến chủng tiếp tục lây lan. Số ca bệnh mới ghi nhận mỗi ngày trên thế giới thậm chí còn đang tăng nhanh chóng.