1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Phát hiện nơi Nga có thể dùng để phóng tên lửa bất khả chiến bại

Minh Phương

(Dân trí) - Hai nhà nghiên cứu Mỹ cho biết đã xác định được vị trí nghi là địa điểm Nga sẽ dùng để triển khai tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân 9M370 Burevestnik mà Moscow ca ngợi là "bất khả chiến bại".

Phát hiện nơi Nga có thể dùng để phóng tên lửa bất khả chiến bại - 1

Ảnh vệ tinh địa điểm được cho là nơi mà Nga sẽ dùng để triển khai tên lửa mang đầu đạn hạt nhân (Ảnh: Reuters).

Sử dụng các hình ảnh vệ tinh chụp ngày 26/7 của Planet Labs, 2 nhà nghiên cứu của Mỹ đã xác định được một dự án xây dựng tiếp giáp với cơ sở lưu trữ đầu đạn hạt nhân được biết đến với 2 tên gọi Vologda-20 và Chebsara. Họ cho rằng, đây có thể là địa điểm mà Nga có thể dùng để triển khai tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân 9M370 Burevestnik.

Decker Eveleth, chuyên gia của tổ chức nghiên cứu và phân tích CNA, đã tìm thấy hình ảnh vệ tinh, xác định những gì ông đánh giá là 9 bệ phóng đang được xây dựng.

Ông cho biết, chúng được xếp thành 3 nhóm bên trong các tường bao để bảo vệ chúng khỏi bị tấn công hoặc để ngăn chặn một vụ nổ vô tình ở một nhóm làm kích nổ tên lửa ở các nhóm khác.

Các tường bao được nối bằng hành lang đường bộ đến các tòa nhà bảo dưỡng tên lửa và linh kiện liên quan, cũng như đến khu phức hợp gồm 5 boongke lưu trữ đầu đạn hạt nhân.

Theo ông Eveleth, địa điểm này là "dành cho một hệ thống tên lửa lớn, cố định và hệ thống tên lửa cố định, lớn duy nhất mà Nga đang phát triển là Skyfall (tên lửa Burevestnik theo cách gọi của NATO)".

Phía Nga cũng như các cơ quan của Mỹ gồm Bộ Ngoại giao, Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan Tình báo Quốc gia (CIA), Trung tâm Tình báo Vũ trụ Không quân Mỹ chưa đưa ra bình luận.

Ông Eveleth và nhà nghiên cứu khác của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury cho biết, việc xác định địa điểm phóng tên lửa cho thấy Nga đang tiến hành triển khai tên lửa này sau một loạt cuộc thử nghiệm gặp trục trặc trong những năm gần đây.

Ông Lewis nói, ảnh chụp vệ tinh gợi ra "điều gì đó rất độc đáo, rất khác biệt và rõ ràng chúng ta biết Nga đang phát triển loại tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân này".

Hans Kristensen thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, người cũng nghiên cứu hình ảnh vệ tinh, cũng nhận định ảnh chụp dường như cho thấy các bệ phóng và các tính năng khác có thể liên quan đến tên lửa Burevestnik. Tuy nhiên, ông không khẳng định chắc chắn vì Moscow thường không đặt các bệ phóng tên lửa cạnh kho chứa đầu đạn hạt nhân.

Thông thường Moscow lưu trữ đầu đạn hạt nhân cho tên lửa phóng từ đất liền ở xa các địa điểm phóng, ngoại trừ những tên lửa thuộc lực lượng Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) được triển khai của nước này.

Mặc dù vậy, ông Lewis và Eveleth cho biết, việc triển khai Burevestnik tại Vologda sẽ cho phép quân đội Nga dự trữ tên lửa mang đầu đạn hạt nhân trong hầm ngầm, giúp chúng sẵn sàng phóng nhanh chóng.

Một báo cáo năm 2020 của Trung tâm Tình báo Vũ trụ cho biết, nếu Nga đưa Burevestnik vào sử dụng thành công, điều này sẽ mang lại cho Moscow một "vũ khí độc nhất có khả năng xuyên lục địa".

Trong khi đó, với các hạn chế về thiết kế cũng như sau loạt cuộc thử nghiệm thất bại của Burevestnik, một số chuyên gia tỏ ra hoài nghi về năng lực của tên lửa từng được Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi là "bất khả chiến bại" này.

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm