1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Phát hiện kim cương cực hiếm có khả năng đổi màu

Đức Hoàng

(Dân trí) - Các nhà khoa học đã phát hiện ra một loại kim cương đổi màu mới, có thể chuyển từ xám sang vàng hoặc xanh lam khi bị làm lạnh sâu. Loại kim cương này được tin là sẽ rất đắt đỏ.

Phát hiện kim cương cực hiếm có khả năng đổi màu  - 1

Kim cương đổi màu ở nhiệt độ siêu lạnh rất hiếm và được cho là sẽ rất đắt đỏ (Ảnh: Dailymail).

Dailymail đưa tin, nhà nghiên cứu Stephanie Persaud tại Viện Đá quý Mỹ (GIA) ở Carlsbad, California đã phát hiện ra loại kim cương mới, với cơ chế đổi màu khác với kim cương "tắc kè hoa" từng được tìm thấy ở thế kỷ 19. Bà Persaud phát hiện ra loại kim cương mới khi phân loại đá quý của các khách hàng. 

Kim cương "tắc kè hoa" lần đầu được phát hiện vào năm 1866 bởi nhà buôn kim cương ở Pháp Georges Halphen và nó ngay lập tức trở thành hiện tượng vào thời bấy giờ. Loại kim cương này có thể đổi màu khi được đưa vào môi trường nhiệt độ cao 200 độ C hoặc đưa vào bóng tối trong 24 giờ.

Trong khi đó, loại kim cương mới được phát hiện gần đây có thể đổi màu từ xám sang vàng hoặc xanh dương nếu được đưa vào nhiệt độ -196 độ C, mức nhiệt độ của nitơ hóa lỏng.

Vì có thể đổi màu nên kim cương "tắc kè hoa" có giá thành rất đắt. Các nhà khoa học cũng tin rằng loại kim cương mới cũng sẽ được định giá rất cao.

Ngoài ra, giới nghiên cứu cũng đặt ra giả thuyết rằng sẽ có thể có những loại kim cương sở hữu cơ chế đổi màu khác với những kim cương trên.

Tuy nhiên, giới khoa học hiện vẫn chưa thể giải thích được nguyên nhân những loại kim cương trên đổi màu. Một phần lý do là những viên kim cương này rất hiếm và rất khó để có được mẫu thử để nghiên cứu.

Các viên kim cương đổi màu đắt hơn nhiều kim cương trong suốt, nhưng sẽ rẻ hơn các viên kim cương có màu cố định như hồng hoặc cam.

Kim cương được tạo thành từ các nguyên tử cacbon sắp xếp thành các tứ diện cứng, hoặc hình chóp tam giác. Chúng sẽ có màu khi có tạp chất hoặc có sự khác biệt về cấu trúc trong thành phần hóa học. Ví dụ, một số viên kim cương có màu vàng là do nitơ đã kết hợp vào cấu trúc tinh thể carbon của chúng.

Nhà khoa học Paul Johnson từ Viện Đá quý Mỹ cho biết, tới nay đội ngũ của ông đã tìm ra 5 ví dụ về kim cương đổi màu khi làm lạnh, trong đó một số lại chuyển từ xám sang vàng và một số từ xám sang xanh dương.