Phát hiện biến chủng SARS-CoV-2 mới chứa 46 đột biến
(Dân trí) - Các nhà khoa học Pháp đã phát hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 với 46 đột biến giữa lúc biến chủng Omicron vẫn đang càn quét nhiều quốc gia trên thế giới.
Được đặt tên là IHU, biến chủng B.1.640.2 được các nhà khoa học tại Viện IHU Mediterranee Infection (Pháp) phát hiện từ ngày 10/12/2021. Tuy nhiên, kể từ khi được phát hiện, biến chủng mới dường như không lây lan nhanh.
Các nhà khoa học cho biết biến chủng mới chứa 46 đột biến khiến nó có khả năng kháng vaccine và lây nhiễm cao hơn. Ít nhất 12 ca nhiễm biến chủng mới đã được ghi nhận gần thành phố Marseilles, Pháp, trong đó có trường hợp từng đến Cameroon - một quốc gia châu Phi.
Các nhà khoa học cho biết biến chủng mới có sự khác biệt về gene so với B.1.640, biến chủng từng được phát hiện ở Congo vào tháng 9 năm ngoái. Các xét nghiệm cho thấy chủng mới mang đột biến E484K được cho là có khả năng kháng vaccine cao hơn. Ngoài ra, biến chủng này cũng có đột biến N501Y - lần đầu tiên được nhìn thấy trên biến chủng Alpha - khiến các chuyên gia tin rằng có thể làm cho virus dễ lây lan hơn.
Hiện Omicron vẫn là chủng trội ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, mối đe dọa của biến chủng IHU cũng đang gia tăng nhanh chóng.
Cho đến nay B.1.640.2 vẫn chưa được phát hiện ở các quốc gia khác và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng chưa xếp biến chủng này vào nhóm "đáng lo ngại" như Omicron.
Trong báo cáo công bố biến chủng mới, các nhà khoa học cho biết "các quan sát này một lần nữa cho thấy sự khó đoán trước của các biến chủng SARS-CoV-2 mới và sự xuất hiện của chúng từ nước ngoài".
Nhà dịch tễ học Eric Feigl-Ding cho biết các biến chủng mới vẫn tiếp tục xuất hiện, nhưng không đồng nghĩa với việc chúng sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Mức độ nguy hiểm của biến chủng mới sẽ được xác định sau khi các nhà khoa học tiến hành tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động của nó.
Nhiều biến chủng SARS-CoV-2 đã được phát hiện trong 2 năm qua với khả năng lây nhiễm và độc lực khác nhau. Tuy nhiên, chỉ một số biến chủng được cho là gây nguy hiểm nhiều hơn, có tỷ lệ tử vong cao hơn hoặc dễ lây lan hơn.
Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi và hiện đã lan ra hơn 100 quốc gia trên thế giới. Biến chủng này gây lo ngại bởi có chứa hơn 50 đột biến, trong đó có hơn 30 đột biến trên protein gai, cấu trúc có thể ảnh hưởng đến khả năng lây lan hoặc né miễn dịch của virus.
Giới khoa học toàn cầu vẫn đang chạy đua để giải mã biến chủng Omicron. Nghiên cứu ban đầu từ Nam Phi và một số nơi trên thế giới cho thấy, Omicron dường như có khả năng lây lan cao hơn nhiều so với các chủng trước kia của SARS-CoV-2 và có thể né một phần miễn dịch.
Các dữ liệu cũng cho thấy Omicron gây triệu chứng nhẹ hơn so với các biến chủng khác. Cụ thể, theo các nhà khoa học Hong Kong, Omicron dường như gây ảnh hưởng nhiều hơn đến đường hô hấp trên như mũi, họng, mà ít ảnh hưởng đến phổi hơn so với biến chủng Delta. Điều này làm dấy lên hy vọng, Covid-19 sẽ sớm trở thành một bệnh đặc hữu với các triệu chứng nhẹ giống như cảm cúm.