1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nhật Bản phát hiện đột biến có thể khiến Delta nguy hiểm hơn

Minh Phương

(Dân trí) - Các nhà khoa học Nhật Bản phát hiện, một đột biến ở biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 khiến nó gây triệu chứng nghiêm trọng hơn cho người nhiễm bệnh.

Nhật Bản phát hiện đột biến có thể khiến Delta nguy hiểm hơn - 1

Đột biến P681R được cho là yếu tố khiến Delta nguy hiểm hơn các chủng khác của SARS-CoV-2 (Ảnh: News Medical).

Hãng tin Asahi đầu tuần này dẫn nghiên cứu của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Y tế của Đại học Tokyo và các chuyên gia khác cho biết, sự nguy hiểm của biến chủng Delta có thể là do đột biến P681R xảy ra ở protein gai, cấu trúc ở bề mặt để virus bám vào tế bào người.

Đột biến này khiến cho các tế bào nhiễm bệnh tạo thành các đốm tròn trên phổi và dẫn đến các triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn. Nếu các tế bào này chết đi, các mô phổi có nguy cơ bị tổn thương nặng.

"Nghiên cứu tập trung vào đột biến P681R này ít nhất có thể giải thích phần nào tại sao biến chủng Delta gây các triệu chứng nghiêm trọng hơn. Rất có thể virus chứa đột biến này gây ra bệnh nặng hơn, và đó là lý do khiến chúng phải lưu ý đến nó", ông Kei Sato, phó giáo sư Viện Khoa học Y tế, Đại học Tokyo, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết.

Nghiên cứu trên đã được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature. Để tìm hiểu về đột biến P681R, các nhà khoa học Nhật Bản đã cho biến chủng Delta lây lan vào các tế bào chuẩn bị sẵn trong phòng thí nghiệm. Họ phát hiện các tế bào này dính vào nhau, tạo ra các đốm tròn có kích thước lớn hơn khoảng 3,6 lần so với kích thước trung bình của các tế bào nhiễm virus SARS-CoV-2.

Kết quả thí nghiệm cho thấy, các con chuột thí nghiệm bị nhiễm Delta giảm cân nhiều hơn và có các triệu chứng liên quan đến hô hấp nghiêm trọng hơn so với những con chuột nhiễm chủng ban đầu của SARS-CoV-2.

Để đánh dấu chính xác đột biến trên, nhóm nghiên cứu đã chuẩn bị sẵn các virus có các đặc điểm của virus chủng gốc và bổ sung thêm đột biến P681R. Họ phát hiện ra rằng khi các tế bào nhiễm virus có chứa đột biến P681R, chúng tạo ra các đốm tròn lớn giống như trong các thí nghiệm với biến chủng Delta. Chuột nhiễm virus chứa đột biến này cũng có dấu hiệu giảm cân nhanh và các triệu chứng hô hấp nghiêm trọng, giống kết quả thí nghiệm với chuột nhiễm biến chủng Delta.

Mô phổi gồm các tế bào được sắp xếp một cách có trật tự, song các nhà nghiên cứu tin rằng, các tế bào nhiễm biến chủng Delta tạo thành các đốm tròn đã phá vỡ trật tự này, gây tổn thương cho phổi khi tế bào đó chết.

Nghiên cứu được đưa ra trong bối cảnh Delta tiếp tục gây lo ngại cho thế giới bên cạnh sự xuất hiện mới đây của biến chủng Omicron. Nhật Bản hiện đã ghi nhận hơn 10 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron, chủ yếu là các ca nhập cảnh, chỉ có một ca trong cộng đồng.

Ca Omicron cộng đồng đầu tiên ở Nhật Bản là một nhân viên của cơ sở cách ly gần sân bay quốc tế Kansai ở tỉnh Osaka, nơi có 3 người nhiễm biến thể Omicron đang tạm trú. Giới chuyên gia cho rằng, Nhật Bản nên chuẩn bị sẵn phương án đối phó với Omicron - biến chủng được cho là có khả năng lây lan cao hơn nhiều so với Delta.