Phát biểu của Thủ tướng Australia hé lộ "ác mộng" tiếp theo của Covid-19
(Dân trí) - Chỉ với một phát ngôn, Thủ tướng Australia đã vô tình biến một câu chuyện tích cực về Covid-19 thành một "thảm họa quan hệ công chúng" và hé lộ về "cơn ác mộng" tiếp theo: tiêm chủng vắc xin.
Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình và bảo vệ mọi người.
Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 19/8 đã tiết lộ kế hoạch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho toàn dân Australia. Ông hy vọng việc tiêm chủng này sẽ trở thành "bắt buộc". Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, chính ông Morrison đã rút lại phát biểu này, nói rằng "không có việc bắt buộc tiêm chủng ở Australia".
Động thái này của ông diễn ra sau khi phát ngôn ban đầu của ông vấp phải sự công kích của các nhóm phản đối vắc xin tại Australia và trên toàn thế giới. Đầu tuần này, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci cũng nói rằng, gần như không có việc bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19. Bình luận của ông Morrison được cho là gợi đến một vấn đề lớn hơn đang gây lo ngại đó là tình trạng "do dự tiêm vắc xin", vấn đề mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm ngoái từng xác định là 1 trong 10 mối đe dọa y tế hàng đầu thế giới.
“Tiêm chủng là một trong những biện pháp tiết kiệm chi phí nhất nhằm ngăn chặn dịch bệnh, hiện tại tiêm chủng giúp cứu sống 2-3 triệu người mỗi năm, và thêm 1,5 triệu người nữa có thể được cứu sống nếu việc tiêm chủng được cải thiện hơn nữa”, WHO cho biết. Tuy nhiên, việc ngày càng có nhiều ý kiến phản đối tiêm chủng đã dẫn đến tình trạng nhiều bệnh truyền nhiễm bùng phát trở lại như sởi.
Theo tạp chí Lancet, phong trào phản đối tiêm chủng vắc xin đã xuất hiện ở 90% quốc gia trên thế giới. Do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều người phản đối vắc xin đã thay đổi quan điểm, trong khi đó số khác thậm chí có quan điểm tiêu cực hơn nữa. Nhiều phong trào đã vận động phản đối việc tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 nhiều tháng qua ngay cả khi giới khoa học vẫn đang ngày đêm chạy đua nghiên cứu và phát triển vắc xin để có thể đẩy lùi đại dịch.
"Covid-19 đã tạo cơ hội cho những người phản đối tiêm chủng. Theo nghiên cứu của chúng tôi, quy mô và sự tăng trưởng của phong trào phản đối vắc xin hiện nay rất đáng lo ngại khi các nhà khoa học ước tính cần có 82% dân số thế giới có miễn dịch với Covid-19, hoặc qua tiêm chủng hoặc qua kháng thể hình thành sau khi nhiễm bệnh, để kiểm soát được đại dịch này”, CCDH, một tổ chức phi chính phủ chuyên ngăn chặn việc lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội, cảnh báo hồi tháng 7.
Một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Anh YouGov đại diện cho CCDH cũng chỉ ra 44% người Mỹ, 37% người Anh cân nhắc không tiêm vắc xin ngừa Covid-19 kể cả khi có vắc xin. Một khảo sát hồi tháng 5 của CNN cũng cho kết quả tương tự.
Tuần trước, Michael Caputo, Thứ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, nói rằng: “Chúng ta đang chứng kiến tình trạng do dự tiêm vắc xin Covid-19 nhiều hơn bất cứ vắc xin nào khác. Chúng tôi biết điều đó. Tất nhiên chúng tôi lo ngại về điều này”. Tình trạng này có thể là mối lo ngại chung của nhiều người bởi hiện tại vắc xin là cách duy nhất để thế giới quay trở lại cuộc sống bình thường trước đại dịch.
Có nhiều ý kiến ủng hộ mạnh mẽ việc tiêm chủng bắt buộc, nhưng đối phó với Covid-19 có thể không cần điều đó. Trong thế kỷ 20, thế giới đã kiểm soát được bệnh bại liệt nhờ người dân ngày càng nhận thức được sự đáng sợ của căn bệnh này mà không phải vì mọi người bắt buộc tiêm vắc xin.
Tuy nhiên, việc sử dụng đe dọa hoặc thậm chí đề xuất một phong trào chống tiêm vắc xin Covid-1-19, những người phản đối vắc xin đang khiến việc các chính phủ yêu cầu bắt buộc tiêm chủng vắc xin ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Nếu tỷ lệ tiêm chủng quá thấp để đạt đến miễn dịch cộng đồng, các chính phủ có thể không còn lựa chọn nào khác là yêu cầu tiêm chủng bắt buộc với các chính sách như cấm học sinh tới lớp nếu chưa có miễn dịch hay thậm chí buộc mọi người phải tiêm vắc xin.