1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Pháp đưa tàu chiến đến Biển Đông, gửi tín hiệu tới Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Pháp đang tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông bằng cách đưa 2 tàu chiến tới khu vực này, trước khi tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản.

Pháp đưa tàu chiến đến Biển Đông, gửi tín hiệu tới Trung Quốc - 1

Tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân SNA Emeraude của Pháp. (Ảnh: AFP)

Hải quân Pháp thông báo tàu tấn công đổ bộ Tonnerre và tàu hộ vệ Surcouf đã rời cảng quê nhà Toulon hôm 18/2 và sẽ di chuyển tới Thái Bình Dương để thực hiện sứ mệnh kéo dài 3 tháng.

Naval News đưa tin các tàu chiến Pháp sẽ đi qua Biển Đông 2 lần và tham gia một cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5.

Chỉ huy tàu Tonnerre Arnaud Tranchant nói với Naval News rằng, hải quân Pháp sẽ hoạt động để tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia - hay còn gọi là "Bộ Tứ".

Khi được hỏi liệu ông có ý định đưa tàu đi qua eo biển Đài Loan hay không, chỉ huy Tranchant cho biết hiện "vẫn chưa thiết lập hành trình tại khu vực này".

Các tàu hải quân Pháp cũng từng thực hiện các sứ mệnh tương tự vào năm 2015 và 2017 khi đi qua Biển Đông, tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng cuộc tập trận sắp với là dấu hiệu cho thấy Pháp đang tăng hiện diện ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Tuần trước, tàu ngầm tấn công hạt nhân Émeraude và tàu tiếp tế Seine của Pháp cũng thực hiện cuộc tuần tra ở Biển Đông. Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tuyên bố cuộc tuần tra của các tàu chiến Pháp ở Biển Đông là "bằng chứng cho thấy năng lực của hải quân Pháp trong việc triển khai hoạt động ở những khu vực xa xôi trong thời gian dài cùng các đối tác chiến lược Mỹ, Nhật Bản, Australia".

Theo các chuyên gia, Pháp sẽ đẩy mạnh lập trường phản đối các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách gia tăng tần suất hoạt động trong khu vực, nhằm duy trì "sự hiện diện bình thường" để bảo vệ các lợi ích của Pháp ở đây.

Pháp đã xây dựng chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương từ năm 2018 và là quốc gia đầu tiên ở châu Âu thực hiện động thái này.

Fu Kuncheng, người đứng đầu Viện Biển Đông tại Đại học Hạ Môn, Trung Quốc, cho rằng các cuộc tuần tra và tập trận tại Biển Đông như vậy là "đáng báo động" và Trung Quốc nên tìm cách đối phó.

"Rõ ràng là Mỹ hy vọng sẽ kết hợp với các đồng minh NATO để phô diễn sức mạnh ở Biển Đông thông qua các cuộc tập trận và hoạt động tự do hàng hải", chuyên gia Fu nhận định.

"Khi các nước thực thi tự do hàng hải, Trung Quốc nên điều tàu chiến để hộ tống. Nhưng nếu họ đi vào vùng lãnh thổ nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, chúng ta phải phản đối dựa theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển", chuyên gia Fu nói.

Theo Hu Bo, giám đốc viện nghiên cứu về Biển Đông tại Bắc Kinh, khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương "ngày càng trở nên quan trọng hơn".

"Pháp đang cố gắng tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông, nhưng điều này sẽ gặp khó khăn do sức mạnh quân sự của Pháp đã sụt giảm trong những năm gần đây", chuyên gia Hu cho biết thêm.

Tuần trước, Hải quân Mỹ đã đưa 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz cùng các tàu chiến tới Biển Đông để tham gia diễn tập.

"Rõ ràng là Pháp đặt mục tiêu phô diễn hiện diện quân sự ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt dưới sức ép của Mỹ, nhằm hợp tác với việc triển khai quân đội và các hoạt động của Mỹ", nhà bình luận quân sự Song Zhongping cho biết.

Tháng 9 năm ngoái, Pháp cùng Anh và Đức đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để phản bác các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.