1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Mỹ và đồng minh tăng sức ép lên Trung Quốc ở Biển Đông

Thành Đạt

(Dân trí) - Trung Quốc đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ Mỹ và các đồng minh NATO đối với các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Mỹ và đồng minh tăng sức ép lên Trung Quốc ở Biển Đông - 1

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz diễn tập chung ở Biển Đông ngày 9/2. (Ảnh: US Navy)

Trong động thái mới nhất ở Biển Đông, Hải quân Mỹ đã điều 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz cùng tham gia diễn tập tại vùng biển này hôm 9/2. Hộ tống các tàu sân bay của Mỹ còn có các tàu chiến khác gồm các tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill và USS Princeton, cùng các tàu khu trục USS Russell và USS John Finn.

Hải quân Mỹ nói rằng cuộc diễn tập ở Biển Đông cho thấy năng lực của lực lượng này trong việc hoạt động ở các môi trường "đầy thách thức". Đây là cuộc diễn tập chung thứ hai của các nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông trong 7 tháng.

Cuộc diễn tập diễn ra một ngày sau khi tàu ngầm hạt nhân tấn công Émeraude và tàu tiếp tế Seine của Pháp tiến hành tuần tra chung ở Biển Đông.

Hải quân Mỹ cho biết cuộc diễn tập mới nhất ở Biển Đông nhằm "duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như các lực lượng đáng tin cậy của Mỹ để trấn an các đồng minh và đối tác, đồng thời gìn giữ hòa bình trong khu vực". Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nói rằng cuộc tuần tra của các tàu chiến Pháp là bằng chứng cho thấy hải quân nước này có thể triển khai hoạt động cùng các đối tác chiến lược trong khoảng thời gian dài và ở xa lãnh thổ.

Sau cuộc họp trực tuyến ngày 3/2, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của Anh và Nhật Bản cũng ra tuyên bố chung, "tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh các hoạt động có thể làm gia tăng căng thẳng". Các bộ trưởng Anh và Nhật Bản cũng phản đối những nỗ lực đơn phương nhằm làm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của trật tự hàng hải tự do và cởi mở dựa trên luật lệ.

Thông điệp gửi Trung Quốc

Mỹ và đồng minh tăng sức ép lên Trung Quốc ở Biển Đông - 2

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz diễn tập chung ở Biển Đông ngày 9/2. (Ảnh: US Navy)

Hu Bo, giám đốc Sáng kiến Tư vấn Tình hình Chiến lược Biển Đông có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng các hoạt động của Mỹ và Pháp ở Biển Đông là nỗ lực nhằm gia tăng áp lực lên Trung Quốc.

"Sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, các đồng minh của Mỹ tin tưởng hơn rằng Mỹ sẽ thực hiện các nghĩa vụ quốc tế trong việc kiềm chế và đối trọng với Trung Quốc", chuyên gia Hu nói.

Chính quyền Tổng thống Biden tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ là trung tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ và Washington sẽ làm việc với các đối tác trong chiến lược cạnh tranh với Bắc Kinh. 

Phát biểu về cuộc tuần tra của hải quân Pháp hôm 9/2, Bộ trưởng Quốc phòng Parly cho biết Pháp có các vùng đặc quyền kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sẽ bảo vệ chủ quyền và lợi ích của Pháp ở đây.

Theo Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang Singapore, Hải quân Mỹ đang gửi một thông điệp rằng lực lượng này có thể hoạt động ở "bất cứ nơi nào họ muốn và luật pháp quốc tế cho phép, bất chấp mối đe dọa từ Bắc Kinh".

Trong khi đó, ông Koh cho rằng Pháp muốn nhấn mạnh các lợi ích của mình ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

"Họ (Pháp) coi mình là một nhân tố độc lập trong khu vực, thường xác định mình là "đối tác thay thế" cho các quốc gia khu vực mà không muốn liên kết quá chặt chẽ với Trung Quốc hoặc Mỹ", chuyên gia Koh nhận định.

Các nhà quan sát dự đoán các đồng minh của Mỹ, trong đó có Anh, sẽ tiến hành thêm các cuộc tuần tra khi họ muốn đẩy lùi các hoạt động và hành vi quân sự hóa của Bắc Kinh trong khu vực. 

Cuối năm nay, Hải quân Anh có kế hoạch điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đi qua Biển Đông và eo biển Đài Loan để tới biển Hoa Đông, nơi tàu Anh sẽ tham gia một cuộc tập trận hải quân chung với Mỹ và Nhật Bản. Đức cũng cho biết họ sẽ triển khai một tàu hộ vệ tới tuần tra khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong năm nay.

Tháng 9/2020, Anh, Pháp, Đức - 3 thành viên của NATO đã gửi công hàm chung lên Liên Hợp Quốc nhằm ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016, trong đó bác bỏ những yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Đây cũng có thể được xem là hình thức hoạt động mở rộng của NATO và gia tăng sức ép quân sự lên Trung Quốc. Tuy nhiên một số đồng minh của Mỹ đến khu vực này vì các giá trị chung như tự do hàng hải và hàng không, thay vì lợi ích quốc gia của họ, vì vậy họ ít khả năng dốc toàn lực để đối đầu với Trung Quốc", nhà bình luận quân sự Song Zhongping từng làm việc cho quân đội Trung Quốc, nhận định.

Zhu Feng, giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Hợp tác về Biển Đông tại Đại học Nam Kinh, cho rằng việc có thêm nhiều hoạt động hải quân trong khu vực như các hoạt động trong tuần này có thể làm gia tăng nguy cơ va chạm.

"Có khả năng xảy ra va chạm bất ngờ trên biển hoặc trên không, nhưng ít có khả năng xảy ra xung đột", chuyên gia Zhu cho biết.

Theo ông Zhu, Mỹ từng bác bỏ yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông vào năm ngoái, còn Pháp đang củng cố lập trường phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua cuộc tuần tra vào tuần này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm