1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

“Phân vai” của liên quân tại Libya dưới "bảo trợ" của NATO

(Dân trí) - Sau hơn một tuần thảo luận, cuối cùng NATO đã chính thức đảm trách sứ mệnh chỉ huy chiến dịch quân sự đa quốc gia tại Libya từ tay người Mỹ. Vì vậy mà vai trò của các quốc gia trong chiến dịch chắc chắn cũng sẽ thay đổi.

 

“Phân vai” của liên quân tại Libya dưới "bảo trợ" của NATO  - 1

Từ chỗ chỉ đảm nhiệm chỉ huy việc áp dụng vùng cấm bay trên bầu trời Libya, hiện NATO đã đảm nhiệm toàn bộ chiến dịch tại Libya.


NATO

 

NATO đảm trách sứ mệnh chỉ huy toàn bộ chiến dịch tại Libya vào ngày hôm nay, 30/3, mặc dù sẽ phải mất vài ngày nữa để một cuộc chuyển giao toàn diện được hoàn tất. Mới đầu NATO chỉ chịu trách nhiệm thực thi vùng cấm bay trên bầu trời Libya, nhưng giờ đây họ sẽ được phép thực hiện cả các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng bộ binh của ông Gadhafi và thực thi lệnh cấm vận vũ khí của Liên hợp quốc đối với Libya.

 

Theo hãng thông tấn Reuters, NATO dự kiến chiến dịch kéo dài 90 ngày và đang xem xét lựa chọn đưa một lực lượng đa quốc gia vào Libya, tương tự như họ đã từng làm ở Bosnia những năm 1990. Các quốc gia thành viên sẽ có thể vẫn tham gia trực tiếp vào chiến dịch quân sự, nhưng dưới sự bảo trợ của NATO.

 

NATO cho hay họ sẽ không cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy Libya và phủ nhận ý kiến cho rằng họ đang phối hợp với phe nổi dậy trong chiến dịch.

 

Pháp, Anh

 
“Phân vai” của liên quân tại Libya dưới "bảo trợ" của NATO  - 2
Pháp là nước tiên phong thúc đẩy Nghị quyết 1973, áp dụng vùng cấm bay trên Libya, và là nước đầu tiên "khai màn" chiến dịch tại Libya.
 

Pháp là quốc gia đầu tiên công nhận phe đối lập Libya là đại diện hợp pháp của người dân Libya. Trong các nhà lãnh đạo thế giới, thì Tổng thống Sarkozy là người đầu tiên và là người ủng hộ mạnh mẽ nhất cho một cuộc can thiệp của quốc tế vào Libya. Ông là người tiên phong tập hợp các nước ủng hộ đề xuất áp dụng lệnh cấm bay trên bầu trời Libya và nước ông là nước đầu tiên triển khai máy bay tới Libya, sau khi nghị quyết 1973 của Liên hợp quốc được thông qua.

 

Ông Sarkozy cũng là người đã phản đối ý tưởng để NATO tiếp quản chỉ huy chiến dịch tại Libya. Ông muốn đơn vị chỉ huy là liên minh do Anh và Pháp dẫn đầu hơn (sau khi Mỹ không muốn giữ vai trò này nữa).

 

Và khi bị đặt vào tình thế “đã rồi” (NATO chỉ huy chiến dịch), Pháp vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc không kích và vẫn tham gia vào sứ mệnh tại Libya.

 

Theo hãng thông tấn AFP, hiện nay Pháp đã bổ nhiệm một đại sứ chính thức cho chính phủ đối lập ở Libya.

 

“Kín tiếng” hơn đối tác Pháp là Anh. Giống như Pháp, nước này vẫn tiếp tục chiến dịch tại Libya dưới sự bảo trợ của NATO. Thủ tướng Anh Cameron chính là người đã tổ chức cuộc họp quốc tế về Libya tại London vào ngày 29/3, nhằm thảo luận về vai trò tiếp theo của liên quân và ủng hộ liên quân can thiệp, phác thảo một giải pháp chính trị ở Libya.

 

Mỹ

 
“Phân vai” của liên quân tại Libya dưới "bảo trợ" của NATO  - 3
Dưới nhiều sức ép, chủ yếu là trong nước, Mỹ đã phải từ bỏ sứ mệnh đầu tàu của mình cho NATO.
 

Mỹ mới đầu là “đầu tàu” trong các hoạt động quân sự chống lại lực lượng của ông Gadhafi, nhưng họ đã chuyển vai trò này cho NATO từ tuần trước. Khi chuyển giao toàn bộ chiến dịch cho NATO, Mỹ dự kiến sẽ rút lại đáng kể sự can dự của mình. Song do là một trong những thành viên có ảnh hưởng nhất của NATO, Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hoạt động quân sự ở Libya, mặc dù vai trò này vẫn chưa được rõ là gì, thậm chí ngay cả sau bài phát biểu về Libya của Tổng thống Mỹ Obama vào tối thứ hai vừa qua.

 

Theo hãng thông tấn Reuters, Mỹ đã bắt đầu di chuyển một số tàu được dùng để tấn công lực lượng của ông Gadhafi ra khỏi Địa Trung Hải.

 

Song song với các hoạt động quân sự dưới sự chỉ đạo của NATO, Mỹ sẽ phối hợp cùng các nước liên quân đưa ra một giải pháp chính trị cho Libya, đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Susan Rice đã cho biết như vậy.

 

Qatar, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất
 
 
“Phân vai” của liên quân tại Libya dưới "bảo trợ" của NATO  - 4
Qatar và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất là hai nước duy nhất trong Liên đoàn Ảrập thực sự "dấn thân". (Ảnh Thủ tướng Anh Cameron và Thủ tướng Qatar Sheikh Hamad Bin Jissim Bin Jabr Al Thani)
 

Trong khi Liên đoàn Ảrập là đơn vị nòng cốt để chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya được phê chuẩn, thì Qatar và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất mới là những nước Ảrập duy nhất thực sự “dấn thân”. Cả hai nước này đều triển khai máy bay hỗ trợ lực lượng liên quân, mặc dù họ không phải là thành viên NATO. Hiện chưa rõ họ có tiếp tục tham gia khi NATO chỉ huy chiến dịch hay không.

 

Ngoài ra, Qatar là nước thứ hai trên thế giới và nước đầu tiên ở Ảrập công nhận chính phủ đối lập của Libya. Nước này cũng sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên của “Nhóm liên lạc” vừa được thành lập trong cuộc họp ở London vào ngày 29/3 để phác thảo lộ trình cho tương lai Libya.

 

Phan Anh

Tổng hợp