Giải mã mục đích của các bên trong cuộc khủng hoảng Libya
(Dân trí) - Phương Tây, cùng một nhóm nước Ảrập, cuối cùng vẫn can thiệp quân sự Libya, nhân danh ủy quyền của Hội đồng Bảo an LHQ. Về thực chất, hành động này có mang mục đích gì khác ngoài để củng cố lợi ích kinh tế, chính trị, an ninh của họ tại khu vực?
Hàng trăm người biểu tình bên ngoài Nhà Trắng ngày 19/3 phản đối sự can dự quân sự của Mỹ ở Libya. Làn sóng phản đối này đang lan rộng trên thế giới
Các nước phương Tây
Lợi ích kinh tế chiếm vị trí quan trọng trong hành động can thiệp quân sự của phương Tây vào Libya, cùng với lợi ích chính trị và an ninh. Đối với các nước phương Tây, ngành dầu mỏ Libya là thị trường đầu tư quan trọng. Libya là khu vực sản xuất dầu mỏ nổi bật trên bản đồ dầu mỏ thế giới, với chất lượng tốt, giá rẻ. Bên cạnh đó, phương Tây còn hy vọng tiến hành cải thiện tình hình dân chủ ở Bắc Phi, tạo dựng các chính quyền phù hợp với lợi ích phương Tây, phục vụ cho nhu cầu phát triển của họ.
Pháp đã đi đầu trong việc khai hỏa cuộc tấn công Libya bằng các đợt không kích vào khu vực miền Tây nước này chiều 19/3. Trước đó, Tổng thống Pháp Sarkozy đã đột ngột (kể cả đối với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu) thừa nhận tính hợp pháp của phe đối lập ở Libya và tuyên bố sẵn sàng tấn công quân đội chính phủ Gadhafi. Thái độ này liên quan nhiều phương diện, bao gồm địa chính trị, lợi ích dầu mỏ cùng nhiều nhân tố lịch sử và hiện thực. Pháp luôn cho rằng châu Phi là địa bàn của mình, các sự vụ của châu Phi cần phải do Pháp can thiệp. Nhưng còn lý do nữa: tỷ lệ ủng hộ trong nước đối với Chính phủ đang giảm sút, Tổng thống Sarkozy do đó hy vọng mượn cơ hội đánh Libya để có được một số sự ủng hộ của dân chúng Pháp, củng cố chính quyền của mình. Bình luận về các hành động Sarkozy, ban lãnh đạo Liên minh châu Âu tuyên bố đây là "quan điểm riêng của Paris”, Liên minh châu Âu không liên quan.
Với Mỹ, cường quốc thường dẫn đầu trong các chiến dịch “phát động”, lần này lại tỏ ra khá thận trọng trong chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya. Tổng thống Obama còn tuyên bố “hành động quân sự có giới hạn” đối với Libya. Mỹ trên thực tế lo ngại tình hình Libya sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với việc ổn định tình hình khu vực trung Đông và Bắc Phi, nhất là trong bối cảnh tình hình tại hai nước láng giềng của Libya là Ai Cập và Tunisia vừa có sự biến chuyển, bạo loạn ở Libya rất có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quá độ chính trị ở hai nước này - điều không phù hợp với lợi ích nước Mỹ.
Đây là cuộc chiến thứ 3 mà Mỹ tham gia tại miền đất Hồi giáo. Nhưng Mỹ đã đầu tư quá nhiều và hiện vẫn đang sa lầy tại hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, nếu tham dự sâu thêm chiến trường thứ ba, không chỉ không đủ tài chính và nhân lực để gánh vác mà còn gây ra sự phản đối dữ dội từ dân chúng. Còn nữa, Mỹ lưỡng lự về mặt quân sự vì nếu bất kỳ binh sĩ Mỹ nào bị giết hoặc bị bắt trong chiến dịch tại Libya, ông Obama rốt cục sẽ gặp rắc rối thực sự về mặt chính trị. Tuy nhiên, việc Mỹ đóng vai trò nhỏ hơn trong cuộc chiến cũng có mặt tiêu cực vì nó làm giảm vai trò của Mỹ như là cường quốc duy nhất của thế giới. Bên cạnh đó, với Anh và Pháp đứng đầu, Mỹ sẽ ít kiểm soát được về những gì diễn ra tại Libya.
Tại Anh, Thủ tướng David Cameron, người cho đến gần đây chỉ quan tâm đến vấn đề kinh tế, nay đang quyết định thử sức trong vai trò một nhà chiến lược quân sự. Trước đây, cựu Thủ tướng Tony Blair đã không do dự trong việc hỗ trợ Mỹ và đưa quân đến Iraq, giờ đến lược ông Cameron sẵn sàng lãnh đạo một chiến dịch chống lại nhà lãnh đạo Libya. Theo giới phân tích, ông Cameron lo ngại nếu vẫn nắm quyền, Gaddafi sẽ một lần nữa “trở lại thực hành chiến lược khủng bố quốc tế” với những cơ hội tài chính to lớn hơn. Ngoài ra, thủ tướng Anh tin rằng vào thời điểm này, ông đã có những đồng minh quan trọng – Obama và Tổng thống Pháp Sarkozy.
Nga và Trung Quốc
Nga và Trung Quốc đã tuyên bố lấy làm tiếc trước động thái quân sự của phương Tây. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Hội đồng Bảo an tuân thủ Hiến chương LHQ và tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia Ảrập. Về phần mình, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexandr Lukashevich bày tỏ ý kiến rằng, để giải quyết xung đột ở Libya phải ngay lập tức chấm dứt đổ máu và bắt đầu cuộc đối thoại giữa bản thân người Libya.
Trung Quốc đã vắng mặt lúc bỏ phiếu nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực và không sử dụng quyền phủ quyết trong tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Một mặt, Trung Quốc muốn cải thiện hình ảnh một nước lớn có trách nhiệm, củng cố vị thế của mình tại Trung Cận Đông và châu Phi. Mặt khác, Bắc Kinh muốn chiều lòng một số nước Arập, đối tác quan trọng trong việc cung ứng dầu mỏ cho Trung Quốc. Nhập khẩu dầu mỏ từ Libya của Trung Quốc chỉ chiếm có 3% tổng mức tiêu thụ của Trung Quốc”, trong khi đó, vùng Trung Đông cung cấp 2,9 triệu thùng dầu thô cho nước này mỗi ngày, chiếm hơn một nửa tổng nhập khẩu của nước này, mà riêng phần của Ảrập Xêút là 1,1 triệu thùng.
Nga kiên quyết chống lại việc áp dụng vũ lực chống Libya. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố cuộc khủng hoảng ở Bắc Phi chỉ có thể được giải quyết bằng cuộc đối thoại hoà bình. Nhìn bề ngoài, bất ổn tại Trung Đông-Bắc Phi đã mang lại lợi ích cho nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của Nga, với việc giá dầu mỏ tăng mạnh, lên tới gần 120 USD/thùng trong những tuần gần đây. Các chuyên gia kinh tế cho rằng giá dầu mỏ tăng có thể giúp nền kinh tế Nga tăng trưởng thêm 1% trong năm nay, và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga có thể sẽ đạt 5% vào cuối năm 2011, mức cao nhất kể từ năm 2008. Nhưng với Nga, cuộc khủng hoảng chính trị ở Trung Đông-Bắc Phi là "con dao hai lưỡi". Giới phân tích Nga cho rằng hành động quân sự với Libya là điều không hợp pháp bởi chúng vi phạm một trong những nguyên tắc cơ sở của pháp luật quốc tế - không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia có chủ quyền. Cách tiếp cận như vậy tạo nên tiền lệ rất nguy hiểm và không có gì đảm bảo rằng, trong tương lai sẽ không ai sử dụng biện pháp như vậy để chống lại một quốc gia khác, có chính sách không được phương Tây chấp nhận hay có nguồn lực thu hút sự quan tâm cao độ của họ.
Các nước Ảrập
Cuộc chiến tranh Libya đã được liên minh dẫn đầu là châu Âu cùng với Mỹ và một nhóm nước Ảrập phát động cùng với quân nổi dậy ở Libya với mục tiêu dài hạn là lật đổ chính phủ của Moammar Gadhafi và thay thế bằng chế độ mới được thành lập dựa trên nòng cốt là quân nổi dậy. Cho đến nay, cùng với nhiều nước phương Tây, bốn quốc gia Ảrập gồm Qatar, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), Ảrập Xêút và Jordan dự kiến cũng sẽ đóng vai trò nhất định trong chiến dịch này, tuy nhiên không tham gia các hành động quân sự trực tiếp. Trong số này, Ảrập Xêút nổi lên với thái độ không bằng lòng với Libya đã có từ năm 2003, khi đại tá Gadhafi tố cáo vua Abdullah hợp tác với phương Tây lật đổ chế độ Saddam Hussein tại Iraq.
Ngoại trưởng các quốc gia thành viên Liên đoàn thẩm định chế độ của Gaddafi đã “mất tính chính đáng” và do vậy Liên đoàn cần phải hợp tác với chính quyền lâm thời của phe đối lập tại Benghazi. Nhưng một mặt, các nước Ảrập kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ áp đặt một khu vực cấm bay tại Libya, mặt khác nói rằng sự can thiệp quốc tế không bao hàm các hoạt động quân sự. Tổ chức này hy vọng Đại tá Gaddafi sẽ tuân thủ nghị quyết của Hội đồng Bảo an mà không cần phải sử dụng sức mạnh để cưỡng chế.
Vấn đề đối với liên minh phương Tây -Ảrập chống Libya hiện nay không chỉ là sứ mệnh thay đổi chế độ ở Libya mà còn là xác định chiến lược cho cuộc chiến tranh Libya. Câu hỏi đặt ra là liệu liên minh này hoặc ít nhất một số thành viên trong liên minh sẵn sàng đẩy cuộc chiến tranh đi xa tới đâu để thay đổi chế độ Gadhafi và xử lý hậu quả sau đó, hoặc sẵn sàng cung cấp bao nhiêu tài lực và nhân lực cũng như sẵn sàng tham chiến trong thời gian bao lâu.
Hà Khoa