1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Phản ứng của Moscow sau khi Mỹ hối thúc công dân lập tức rời Nga

Minh Phương

(Dân trí) - Moscow cho rằng, việc Mỹ kêu gọi công dân rời khỏi Nga có liên quan đến vụ phóng viên báo Wall Street Journal (WSJ) bị bắt giữ ở Nga với cáo buộc gián điệp.

Phản ứng của Moscow sau khi Mỹ hối thúc công dân lập tức rời Nga - 1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova (Ảnh: TASS)

Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 30/3 hối thúc công dân Mỹ rời Nga ngay lập tức. Thông cáo của Nhà Trắng cho biết: "Chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh cảnh báo về mối nguy hiểm đối với công dân Mỹ khi ở Nga. Công dân Mỹ đang sinh sống hay du lịch đến Nga nên rời khỏi đó ngay lập tức như Bộ Ngoại giao tiếp tục khuyến cáo".

Tuy nhiên, ông John Kirby sau đó cho biết Mỹ "không khuyến khích các cơ quan báo chí rút phóng viên của họ khỏi Nga".

Phản ứng về lời kêu gọi này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova viết trên Telegram: "Tôi tin là ông John (Kirby) đã quên mất cụm từ "công dân Mỹ liên quan đến hoạt động tình báo. Đó mới là ẩn ý".

Theo bà Zakharova, kêu gọi của Nhà Trắng dường như ám chỉ "những người tham gia vào hoạt động gián điệp cho Washington" nên rời khỏi Nga sau vụ phóng viên Evan Gershkovich của WSJ bị bắt.

Nhà báo của WSJ sẽ bị xét xử sau 2 tháng tạm giam

Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 30/3 thông báo bắt giữ Evan Gershkovich với cáo buộc làm gián điệp. Theo FSB, Gershkovich "đóng vai trò là đặc vụ cho phía Mỹ, đã thu thập dữ liệu tuyệt mật về hoạt động của một doanh nghiệp thuộc tổ hợp công nghiệp - quốc phòng Nga". Moscow cho rằng, vai trò phóng viên chỉ là vỏ bọc của Gershkovich.

Theo phán quyết của Tòa án Quận Lefortovo (Moscow), Gershkovich sẽ bị tạm giam 2 tháng trước khi đưa ra xét xử. Nếu bị buộc tội, nam công dân Mỹ này có thể lĩnh đến 20 năm tù.

Gershkovich là phóng viên người Mỹ đầu tiên bị bắt với cáo buộc gián điệp ở Nga kể từ tháng 9/1986, thời điểm Nicholas Daniloff, một phóng viên của U.S. News và World Report, bị Cơ quan tình báo Nga (KGB) bắt giữ tại Moscow.

Nicholas Daniloff được thả và không bị buộc tội 20 ngày sau đó. Đổi lại, Mỹ đồng ý trả tự do cho một nhân viên phái bộ Liên hợp quốc của Liên Xô bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ.

Nói về khả năng trao đổi tù nhân trong trường hợp của Gershkovich, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết còn quá sớm để bàn đến điều này. "Hiện nay chúng tôi không xem xét phương án này… Chúng ta sẽ xem câu chuyện này tiến triển như thế nào", ông cho hay.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng, Moscow hy vọng Washington sẽ không thực hiện các biện pháp trả đũa nhằm vào các phóng viên Nga hoạt động ở Mỹ.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken chỉ trích động thái của Nga là "bắt giữ con tin", đồng thời kêu gọi công dân Mỹ lập tức rời khỏi Nga để tránh nguy cơ trở thành mục tiêu bắt giữ.

Trong khi đó, hãng tin WSJ bác cáo buộc của Nga, kêu gọi trả tự do cho Gershkovich.

Vụ việc được cho là sẽ khiến căng thẳng giữa Nga và Mỹ leo thang hơn nữa không lâu sau vụ máy bay không người lái Mỹ rơi ở Biển Đen sau cuộc chạm trán với tiêm kích Su-27 của Nga hôm 14/3.

Theo Sputnik, Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm