1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột Israel - Hezbollah
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

“Phá vây” ngoạn mục

Ngày 8-4, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã tới Mátxcơva trong chuyến công du hai ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng A.Tsipras đến Nga kể từ khi đảng Cánh tả Syriza của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử trước thời hạn hồi tháng 1 vừa qua.

Chuyến thăm diễn ra đúng lúc quan hệ giữa Mátxcơva và nhiều nước Liên minh Châu Âu (EU) đang rơi vào tình trạng băng giá. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng động thái cổ vũ cho "một mùa xuân mới" trong quan hệ với Mátxcơva của Athens sẽ khiến Hy Lạp phải đối mặt nhiều sức ép từ EU trong thời gian tới.
 
Thủ tướng Hy Lạp A.Tsipras và Tổng thống Nga V.Putin trong cuộc gặp tại Mátxcơva
Thủ tướng Hy Lạp A.Tsipras và Tổng thống Nga V.Putin trong cuộc gặp tại Mátxcơva

Bằng chứng là ngay trước thềm chuyến thăm, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Đức Hannoversche Allegmeine Zeitung, đã cảnh báo Thủ tướng Hy Lạp A.Tsipras về nguy cơ phá vỡ sự thống nhất của Châu Âu về chính sách trừng phạt nhắm vào xứ Bạch dương liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine. Ủy ban Châu Âu cũng nhắc lại rằng "chính sách ngoại thương là một thẩm quyền đặc biệt của EU".

Đến nay, Hy Lạp vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào với các chủ nợ quốc tế là EU và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) do còn tồn tại nhiều bất đồng về chính sách cải cách kinh tế mà Athens phải thực hiện. Trong bối cảnh như vậy, trái ngược với thái độ của nhiều thành viên EU, Thủ tướng A.Tsipras lại nhận được sự ủng hộ không suy giảm từ người dân trong nước khi cho rằng Chính phủ Hy Lạp "đa phương hóa" quan hệ quốc tế sẽ giúp cải thiện tình hình kinh tế đang khó khăn hiện nay.

Nhìn nhận một cách khách quan, chuyến thăm Mátxcơva của Thủ tướng A.Tsipras là một động thái "đôi bên cùng có lợi". Hiện Mátxcơva không giấu giếm việc tìm kiếm sự ủng hộ của một số nước tại Cựu lục địa như Hungary, Síp, Thổ Nhĩ Kỳ... để buộc EU nhận thấy rõ hơn tính hai mặt của các biện pháp trừng phạt, rằng các biện pháp từ EU như hành động "búa đập chân mình".
 
Còn Hy Lạp mặc dù trước đó khẳng định sẽ không tìm kiếm sự trợ giúp tài chính từ Nga song nội dung thảo luận giữa 2 bên trong các cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Hy Lạp A.Tsipras đã đủ mang lại cho Athens một lực đẩy quan trọng với nền kinh tế đang bên bờ vực phá sản.
 
Đáng chú ý, ông chủ Điện Kremlin cho biết Nga có thể bỏ cấm vận về thực phẩm nhập khẩu từ Hy Lạp. Đây là cơ hội "vàng" để Hy Lạp tiếp cận một thị trường rộng lớn đang bị bỏ ngỏ là Nga. Cơ hội "vàng" là bởi trước đây, khi quan hệ Nga - EU còn "mặn nồng" thì Athens phải rất vất vả mới vượt được qua các đối thủ cạnh tranh để chen chân vào thị trường Nga.
 
Ngoài ra, Mátxcơva cũng "chìa tay" khi xem xét khả năng mời Hy Lạp tham gia dự án đường ống dẫn khí có tên Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ - một dự án có thể mang về cho Hy Lạp "hàng triệu euro" mỗi năm. Nếu thành hiện thực, dự án đầy tham vọng này từ Nga sẽ không chỉ có lợi cho nền kinh tế của Hy Lạp mà còn thúc đẩy hợp tác kinh tế chặt chẽ hơn giữa Hy Lạp và Nga.
 
Một năm trôi qua kể từ khi EU bắt đầu các biện pháp trừng phạt xứ Bạch dương bằng các đòn kinh tế, tài chính và thương mại nhưng càng ngày càng xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều từ chính nội bộ "ngôi nhà chung 28 thành viên".
 
Các nước phản đối tỏ ra khôn ngoan khi cho rằng, cuộc trừng phạt kéo dài với một đất nước rộng lớn và có quan hệ mật thiết về địa - kinh tế với Cựu lục địa sẽ chỉ khiến EU kẹt trong vòng luẩn quẩn. Và sự thật đã được kiểm chứng là các lệnh trừng phạt Nga đang ngày càng chia rẽ thêm nội bộ EU.
 
Việc các thành viên EU tìm cách thiết lập quan hệ riêng với Mátxcơva đang là điều khiến EU và đồng minh Mỹ đau đầu. Chỉ trong vòng 2 tháng qua, đã có 2 chuyến thăm chính thức của các nguyên thủ từ EU tới xứ Bạch dương:
 
Cuối tháng 2, chuyến thăm Mátxcơva của Tổng thống CH Síp Nicos Anastasiades dẫn đến thỏa thuận cho phép hải quân Nga có quyền ra vào các bến cảng tại hòn đảo lớn thứ ba ở Địa Trung Hải; chuyến thăm của Thủ tướng Hy Lạp A.Tsipras cùng với những hứa hẹn đầy khả thi về tăng cường quan hệ song phương.
 
Sắp tới, chuyến thăm của Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman nhân dự lễ kỷ niệm ngày Chiến thắng phát xít (9-5) tại Quảng trường Đỏ cho thấy, những nỗ lực trừng phạt của EU đang ngày càng mất đi hiệu quả.
 
Trong khi đó, Nga cùng các đối tác lại "ghi điểm" mạnh khi mở được "vòng vây" một cách ngoạn mục để cứu nguy lẫn nhau trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu ổn định.
Theo Quỳnh Dương
Hà Nội mới