1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Pakistan "khoe" tên lửa có thể khắc chế S-400 của Nga

(Dân trí) - Pakistan đã công bố đoạn video ghi lại vụ thử tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Nasr/Hatf-IX, khí tài mà họ tuyên bố có thể đánh bại hệ thống phòng không “rồng lửa” S-400 mà Ấn Độ mua của Nga.

Pakistan "khoe" tên lửa có thể khắc chế S-400

 

Pakistan khoe tên lửa có thể khắc chế S-400 của Nga - 1

Tên lửa Nars (Ảnh: Quân đội Pakistan)

 

Sputnik đưa tin, Pakistan hồi tháng trước thực hiện 2 bài thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm ngắn Nasr, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Họ tuyên bố tên lửa này có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ tốt nhất của Ấn Độ, bao gồm cả các tổ hợp S-400 New Delhi mua từ Nga. Các chuyên gia quân sự quan ngại sự xuất hiện của Nasr có thể làm gia tăng nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.

Theo Sputnik, quân đội Pakistan đã đưa tên lửa Nasr vào biên chế năm 2017. Truyền thông Pakistan mô tả tên lửa này là “hệ thống bắn và chạy cơ động với độ chính xác cao”.

Tầm bắn của Nasr là 70 km và nó được thiết kế để đối phó với học thuyết “Cold Start” của Ấn Độ, một kế hoạch tác chiến có tính cơ động cao của quân đội Ấn Độ trong trường hợp xảy ra chiến tranh quy mô hạn chế với Pakistan.

Năm 2012, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết họ không sử dụng học thuyết trên. Tuy nhiên, vào năm 2011, họ đã tổ chức các cuộc tập trận nhằm cắt giảm thời gian cơ động tới măt trận phía tây từ 27 ngày xuống 48 giờ, theo Daily News Analysis.

Sau đó, vào năm 2017, Tư lệnh lục quân Ấn Độ Bipin Rawat xác nhận là học thuyết “Cold Start” có tồn tại, phù hợp với những cuộc chiến ngắn ngày nhưng quyết liệt và yêu cầu rút ngắn thời gian di chuyển.

Theo quân đội Pakistan, nước này đã thực hiện bài thử nghiệm thứ 2 của Nars vào ngày 28/1 và 31/1.

“Rồng lửa” S-400 Triumf (NATO gọi là SA-21 Growler) được coi là hệ thống phòng thủ tầm xa tiên tiến nhất, có thể tiêu diệt tất cả các vật thể xuất hiện trên không trung trong phạm vi trên 400 km, bao gồm các loại máy bay, tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái hay tên lửa đạn đạo, ở độ cao 50 km và tốc độ tối đa của mục tiêu là 4,8km/s.

Hồi tháng 10 năm ngoái, Nga và Ấn Độ đã ký kết thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD mua hệ thống phòng không của Nga và Moscow sẽ bàn giao tổ hợp trên cho quốc gia Nam Á đúng hạn vào tháng 10/2020, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết.

Đức Hoàng

Theo Sputnik