Ông Zelensky nêu lý do không kêu gọi binh sĩ các nước tới Ukraine chiến đấu
(Dân trí) - Tổng thống Volodymyr Zelensky nêu lý do ông không thể khuyến khích các quốc gia khác gửi quân tới Ukraine tham chiến với Nga.
Trả lời phỏng vấn truyền thông Ukraine, ông Zelensky cho biết ông ủng hộ những sáng kiến liên quan đến việc các quốc gia nước ngoài triển khai hoạt động huấn luyện hoặc lực lượng bảo vệ biên giới tới Ukraine, nhưng ông không thể khuyến khích các quốc gia gửi quân tham chiến.
"(Tổng thống Pháp) Emmanuel Macron đã có một số đề xuất. Tôi ủng hộ - một cách công khai và trong cuộc trò chuyện riêng với ông ấy - ý tưởng về việc binh sĩ Ukraine được lực lượng từ một quốc gia nước ngoài đào tạo tại Ukraine. Tôi nghĩ việc này sẽ nhanh hơn nhiều so với việc binh sĩ Ukraine phải ra nước ngoài đào tạo rồi quay lại", ông nói.
"Thứ hai là việc xây dựng các trung tâm sửa chữa các thiết bị của phương Tây ở Ukraine, ở một số khu vực nhất định, dưới lòng đất... Việc này có hiệu quả và chúng tôi đang thực hiện một số hoạt động. Nó nhanh hơn nhiều so với việc gửi xe tăng hoặc xe bọc thép ra nước ngoài sửa, thường mất 1-3 tháng. Vì vậy tôi hoàn toàn ủng hộ thực hiện việc này ở Ukraine", ông nhấn mạnh.
"Với nhiệm vụ bảo vệ biên giới, ông Macron nói rằng quân Pháp có thể đến khu vực biên giới. Chúng tôi sao có thể từ chối đây? Nếu họ tới, chúng tôi sẽ ủng hộ", ông Zelensky nói, nhưng không nêu chi tiết về ý tưởng của ông Macron.
Mặt khác, ông Zelensky giải thích nguyên nhân không thể kêu gọi các nước đưa quân tới Ukraine tham chiến: "Tôi muốn giải thích quan điểm của mình. Hôm nay tôi không thể nói công khai nói rằng quân đội các nước trên thế giới, hãy đến Ukraine và chiến đấu. Bởi vì Nga sẽ thổi phồng nó lên khắp mọi nơi, họ sẽ bắt đầu tác động tới quốc gia khác rằng các nước này không nên gửi con cái đi chiến đấu, rằng đây không phải là cuộc chiến của họ".
"Họ sẽ bắt đầu chia rẽ sự thống nhất ở các nước châu Âu và NATO. Điều đó sẽ nguy hiểm cho chúng tôi. Nếu tôi kêu gọi các nước gửi quân tới Ukraine, Nga sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chúng tôi nhận hỗ trợ quân sự từ các nước khác. Dư luận xã hội ở các nước sẽ bị chia rẽ, họ sẽ gây áp lực lên các nhà lãnh đạo, và điều đó sẽ làm chậm nguồn cung cấp (vũ khí, tài chính) cho chúng tôi", ông nói.
Tuy nhiên, ông cho biết, nếu các quốc gia khác có sáng kiến đưa quân tới Ukraine, thì phía Kiev có lực lượng tình nguyện nước ngoài, nơi công dân các nước tới và chiến đấu vì Ukraine. "Ukraine sẽ không bao giờ phản đối nếu có ai muốn giúp đỡ Ukraine", ông nhấn mạnh.
Cuối tháng 2, tại một hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo châu Âu, Tổng thống Macron tuyên bố phương Tây không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine và các nước này sẽ làm mọi việc có thể để ngăn chặn Nga giành chiến thắng ở Ukraine.
Phát biểu của Tổng thống Pháp đã gây ra ý kiến trái chiều trong khối NATO. Nhiều quốc gia chủ chốt như Mỹ, Đức đã công khai bác bỏ khả năng này, vì lo ngại xung đột với Nga leo thang. Tuy nhiên, có một số quốc gia thành viên khác của liên minh cũng bỏ ngỏ việc ủng hộ phương án.
Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne nói, Paris có thể điều quân đến Ukraine để phục vụ những nhu cầu cụ thể chứ không phải tham chiến chống lại Nga.
"Chúng ta phải xem xét các hành động mới để hỗ trợ Ukraine. Những hành động này phải đáp ứng nhu cầu rất cụ thể. Tôi đặc biệt nghĩ đến việc rà phá bom mìn, phòng thủ mạng, sản xuất vũ khí tại chỗ, trên lãnh thổ Ukraine", nhà ngoại giao Pháp nêu ví dụ.
Sau đó, Điện Kremlin cảnh báo, xung đột giữa Mỹ và NATO không thể tránh khỏi nếu các nước thành viên của liên minh này điều quân đến Ukraine.