Lịch sử kênh đào Panama và lý do ông Trump dọa giành lại quyền kiểm soát
(Dân trí) - Tổng thống đắc cử Donald Trump cuối tuần qua đã đề nghị Mỹ nên giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama, một ý tưởng ngay lập tức bị chính phủ Panama bác bỏ.
Trong các bài đăng trên mạng xã hội và phát biểu với những người ủng hộ, ông Trump cáo buộc Panama tính "giá cắt cổ" với các tàu của Mỹ khi sử dụng kênh đào và ám chỉ ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với tuyến đường thủy quan trọng này.
"Các khoản phí mà Panama tính là vô lý, đặc biệt là khi xét đến sự hào phóng mà Mỹ đã dành cho Panama", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social cuối tuần trước.
Kênh đào do Mỹ xây dựng được khai trương vào năm 1914 và do Washington kiểm soát cho đến khi có thỏa thuận năm 1977 quy định việc chuyển giao kênh đào cho Panama.
Kênh đào được cả hai nước cùng vận hành cho đến khi chính phủ Panama giữ toàn quyền kiểm soát sau năm 1999.
Phát biểu trước những người ủng hộ, Tổng thống đắc cử Donald Trump nói nếu tinh thần của thỏa thuận đó không được tuân thủ, "thì chúng tôi sẽ yêu cầu trả lại kênh đào Panama cho Mỹ".
Không rõ mức độ nghiêm túc trong tuyên bố của ông Trump và ông cũng không nói rõ sẽ buộc một quốc gia thân thiện, có chủ quyền phải nhượng lại lãnh thổ của mình như thế nào.
Trong khi đó, phát ngôn của Tổng thống đắc cử Mỹ vấp phải phản ứng gay gắt của Panama.
"Với tư cách là Tổng thống, tôi muốn tuyên bố rõ rằng mỗi mét vuông của kênh đào Panama và khu vực lân cận đều thuộc về Panama và sẽ tiếp tục như vậy. Chủ quyền và độc lập của chúng tôi là không thể thương lượng", Tổng thống José Rául Mulino cho biết.
Lịch sử đau thương
Trước khi kênh đào hoàn thành, các tàu di chuyển giữa bờ biển phía đông và phía tây châu Mỹ sẽ phải đi vòng quanh Cape Horn, mũi phía Nam của Nam Mỹ, khiến hành trình của họ phải kéo dài hàng nghìn km và mất vài tháng. Tạo ra một lối đi có thể rút ngắn hành trình đó là mục tiêu khó của một số đế chế có thuộc địa ở châu Mỹ.
Vào đầu thế kỷ 20, Tổng thống Mỹ khi đó là Theodore Roosevelt đã ưu tiên hoàn thiện một tuyến đường như vậy.
Lãnh thổ này vào thời điểm đó do Cộng hòa Colombia kiểm soát, nhưng một cuộc nổi dậy do Mỹ hỗ trợ đã dẫn đến sự chia cắt giữa Panama và Colombia, hình thành Cộng hòa Panama vào năm 1903.
Mỹ và nước cộng hòa mới thành lập đã ký một hiệp ước vào năm đó cho phép Washington kiểm soát dải đất dài hàng chục km để xây dựng kênh đào nhằm đổi lấy khoản hoàn trả tài chính.
Con kênh được hoàn thành vào năm 1914, củng cố vị thế của Mỹ như một siêu cường về kỹ thuật và công nghệ. Tuy nhiên, ước tính có khoảng 5.600 người đã thiệt mạng trong quá trình Mỹ xây dựng kênh đào.
Tính thiết thực của kênh đào đã được chứng minh trong Thế chiến thứ hai, khi nó được sử dụng làm tuyến đường quan trọng cho nỗ lực chiến tranh của quân Đồng minh giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Mỹ và Panama dần rạn nứt do những bất đồng về quyền kiểm soát kênh đào, cách đối xử với công nhân Panama và câu hỏi về việc liệu cờ Mỹ và Panama có nên cùng nhau bay trên vùng kênh đào hay không.
Những căng thẳng đó lên đến đỉnh điểm vào ngày 9/1/1964 khi các cuộc bạo loạn chống Mỹ dẫn đến nhiều người chết ở vùng kênh đào và sự cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa hai nước trong thời gian ngắn.
Nhiều năm đàm phán để đạt được một thỏa thuận công bằng hơn đã dẫn đến hai hiệp ước dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Các thỏa thuận tuyên bố kênh đào trung lập và mở cửa cho tất cả các tàu thuyền và quy định quyền kiểm soát lãnh thổ chung giữa Mỹ và Panama cho đến cuối năm 1999, khi Panama được trao toàn quyền kiểm soát.
"Bởi vì chúng tôi đã kiểm soát một dải đất xuyên qua trung tâm đất nước của họ và vì họ coi các điều khoản ban đầu của thỏa thuận là không công bằng, nên người dân Panama không hài lòng với hiệp ước. Hiệp ước được soạn thảo ở đất nước chúng tôi và không có chữ ký của bất kỳ người Panama nào", ông Carter phát biểu với người dân Mỹ sau khi các hiệp ước được ký kết.
Khi đó, ông nói thêm: "Tất nhiên, điều này không mang lại cho Mỹ bất kỳ quyền nào can thiệp vào công việc nội bộ của Panama, cũng như hành động quân sự của chúng tôi sẽ không bao giờ nhằm vào sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc sự độc lập chính trị của Panama".
Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ kế hoạch của ông Carter. Trong một bài phát biểu năm 1976, ứng cử viên tổng thống Mỹ khi đó là ông Ronald Reagan nói rằng "Mỹ là chủ sở hữu hợp pháp của Kênh đào Panama".
Căng thẳng tiếp tục leo thang vào cuối những năm 1980 dưới thời lãnh đạo Panama Manuel Noriega. Ông này sau đó bị phế truất khi Mỹ tấn công Panama trong "cuộc chiến chống ma túy".
Lý do ông Trump dọa giành lại Kênh Panama
Ngay sau khi Panama giành được toàn quyền kiểm soát kênh đào vào năm 2000, lượng hàng hóa vận chuyển đã nhanh chóng vượt quá khả năng vận chuyển của tuyến đường thủy này. Một dự án mở rộng quy mô lớn bắt đầu vào năm 2007 và hoàn thành sau gần một thập niên.
Tuy nhiên, khu vực xung quanh kênh đã trải qua hạn hán nghiêm trọng, dẫn đến mực nước thấp hơn, cản trở khả năng hoạt động bình thường của kênh.
Giới chức quản lý kênh đã đặt ra các hạn chế về giao thông và áp dụng mức phí cao hơn đối với tàu thuyền đi qua kênh.
Những khoản phí đó dường như là một phần trong những lý do khiến ông Trump bất bình.
Các tuyên bố của Tổng thống đắc cử Mỹ cũng cho thấy ông quan ngại việc Trung Quốc dường như đang tìm cách tăng cường kiểm soát Panama và kênh đào.
Năm 2017, Panama đã ký một thông cáo chung nhấn mạnh rằng họ sẽ không duy trì bất kỳ mối quan hệ chính thức nào với Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố là một vùng lãnh thổ không thể tách rời. Kể từ đó, ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực xung quanh kênh đào ngày càng tăng.
Tuy nhiên, Tổng thống Panama Mulino đã bác bỏ ý kiến cho rằng Trung Quốc thực hiện quyền kiểm soát công khai đối với kênh đào.
"Kênh đào không bị kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp từ Trung Quốc, châu Âu, Mỹ hay bất kỳ cường quốc nào khác", ông Mulino khẳng định.
Kênh đào Panama đóng vai trò là tuyến đường thủy quan trọng đối với thương mại quốc tế.
Theo thống kê năm 2024, mỗi năm, kênh đào Panama đón hơn 14.000 tàu thuyền qua lại, vận chuyển hơn 203 triệu tấn hàng hóa, tương đương khoảng 6% thương mại hàng hải toàn cầu.