1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Trump sắp ký lệnh giảm phụ thuộc vật tư y tế Trung Quốc

(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump có thể sẽ ký sắc lệnh hành pháp yêu cầu các cơ quan liên bang chỉ được phép mua các sản phẩm y tế do Mỹ sản xuất.

Ông Trump sắp ký lệnh giảm phụ thuộc vật tư y tế Trung Quốc - 1

Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro (Ảnh: AFP)

Ông Peter Navarro, cố vấn thương mại của Tổng thống Donald Trump, ngày 4/5 cho biết ông chủ Nhà Trắng sẽ sớm ký một sắc lệnh hành pháp, yêu cầu các cơ quan liên bang chỉ được mua các sản phẩm y tế do Mỹ sản xuất.

Ông Navarro không tiết lộ thông tin chi tiết về sắc lệnh này, nhưng cho biết sắc lệnh sẽ giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất vật tư y tế đang bị tụt hậu tại Mỹ. Tuy nhiên, những người chỉ trích cho rằng động thái này có thể dẫn tới việc Trung Quốc sẽ hạn chế xuất khẩu các vật tư bảo hộ mà Mỹ đang rất cần cho cuộc chiến chống Covid-19.

Chia sẻ với Fox News, ông Navarro, quan chức chịu trách nhiệm điều phối hoạt động sản xuất vật tư y tế của Mỹ, cho biết dịch Covid-19 đã “phơi bày” sự phụ thuộc quá mức của Mỹ vào Trung Quốc về vật tư y tế. Cố vấn của Tổng thống Trump cũng chỉ trích Trung Quốc vì trách nhiệm của nước này khiến đại dịch bùng phát.

“Trung Quốc đã tạo ra virus và che giấu virus trong khoảng 6 tuần, từ đó cho phép virus thoát khỏi Vũ Hán và lây nhiễm cho cả thế giới. Trong khoảng thời gian đó, Trung Quốc đã tích trữ vật tư bảo hộ cá nhân với số lượng khổng lồ”, ông Navarro nói.

“Họ (Trung Quốc) đã đi khắp thế giới và thu gom hơn 2 tỷ khẩu trang”, cố vấn tổng thống Mỹ cho biết thêm.

Theo báo cáo tình báo 4 trang của Bộ An ninh Nội địa Mỹ được đề ngày 1/5 do hãng thông tấn AP tiếp cận, chính quyền Trung Quốc đã “cố tình che giấu thế giới mức độ nghiêm trọng” của đại dịch Covid-19 từ đầu tháng 1.

Báo cáo cho biết trong khi thông tin sai lệch về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu và giảm xuất khẩu các vật tư y tế.

Tình báo Mỹ cáo buộc Trung Quốc trì hoãn thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới về việc coi Covid-19 là “bệnh truyền nhiễm” trong phần lớn khoảng thời gian của tháng 1 để nước này có thể đặt hàng vật tư y tế từ nước ngoài. Đây là lý do khiến số khẩu trang, đồ bảo hộ và găng tay do Trung Quốc nhập về tăng vọt.

Các quan chức chính phủ và nhân viên y tế Mỹ cảnh báo, nếu Trung Quốc hạn chế xuất khẩu vật tư y tế tới Mỹ trước khi Mỹ có thể tự chủ hoạt động sản xuất của mình, Mỹ có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt vật tư y tế nghiêm trọng hơn, nhất là khi Mỹ đang rất cần các mặt hàng này để đối phó với dịch bệnh.

Theo giới chức Mỹ, thậm chí một số cố vấn thân cận nhất của Tổng thống Trump, gồm Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, cũng tranh cãi về sắc lệnh liên quan tới vật tư y tế dự kiến được nhà lãnh đạo Mỹ thông qua.

Tới đầu tháng 3, các lãnh đạo doanh nghiệp tại Mỹ lo ngại sắc lệnh hành pháp trên có thể sẽ khiến nước này gặp khó khăn hơn trong việc đảm bảo nguồn cung thuốc men và vật tư y tế, thậm chí làm chậm quá trình phát triển vắc xin.

Nếu được thông qua, sắc lệnh trên sẽ là sắc lệnh thứ 5 được triển khai để thực thi chính sách “Mua hàng Mỹ” của Nhà Trắng. Tổng thống Trump tuần trước đã ký một sắc lệnh tương tự, yêu cầu các cơ quan chính phủ chỉ được mua các linh kiện do Mỹ sản xuất cho lưới điện quốc gia.

Ngoài sắc lệnh hành pháp “Mua hàng Mỹ”, ông Navarro cho biết Nhà Trắng cũng cân nhắc áp đợt thuế mới với hàng hóa Trung Quốc và triển khai các sắc lệnh khác để giảm sự phụ thuộc của Mỹ và hàng hóa Trung Quốc.

Mỹ hiện vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với gần 70.000 ca tử vong và hơn 1,2 triệu ca nhiễm. New York Times ngày 4/5 dẫn một tài liệu mật cho biết, chính quyền Mỹ dự đoán số người mắc và tử vong vì Covid-19 tại nước này có thể tăng mạnh trong tháng 5.

Theo dự báo, mỗi ngày Covid-19 có thể lấy đi sinh mạng của khoảng 3.000 người tại Mỹ đến cuối tháng 5, tăng mạnh so với mức trung bình gần 1.800 ca tử vong/ngày hiện nay. Ngoài ra, Mỹ có thể ghi nhận thêm khoảng 200.000 ca nhiễm virus mới mỗi ngày, so với trung bình 25.000 ca/ngày hiện nay.

Thành Đạt

Theo SCMP