1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Trump “nổi đóa” trước ý tưởng quân đội chung châu Âu của Tổng thống Pháp

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Donald Trump không hài lòng khi người đồng cấp Pháp đưa ra ý tưởng thành lập lực lượng quân sự chung châu Âu để bảo vệ khu vực này trước Mỹ.


Tổng thống Trump chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bỉ hồi tháng 7. (Ảnh: Getty)

Tổng thống Trump chụp ảnh cùng các nhà lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bỉ hồi tháng 7. (Ảnh: Getty)

“Tổng thống Pháp Macron vừa đề xuất rằng châu Âu nên xây dựng lực lượng quân sự của chính họ để bảo vệ họ trước Mỹ, Trung Quốc và Nga. Thật đáng hổ thẹn, nhưng có lẽ châu Âu trước hết nên tự chi trả phần đóng góp của mình ở NATO, nơi Mỹ đang trợ cấp rất nhiều!”, Tổng thống Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter hôm 9/11.

Bình luận trên của Tổng thống Trump được đưa ra sau cuộc phỏng vấn gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron với đài phát thanh Europe 1. Trong cuộc phỏng vấn, ông Macron đã đề cập tới ý tưởng thành lập một lực lượng quân sự phối hợp của châu Âu để bảo vệ khu vực này trước 3 nước là Nga, Mỹ và Trung Quốc.

“Chúng ta phải tự bảo vệ mình trước Trung Quốc, Nga và thậm chí cả Mỹ”, Tổng thống Macron nói.

Mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Macron ngày càng có dấu hiệu căng thẳng mặc dù trước đó hai nhà lãnh đạo Pháp, Mỹ từng rất thân thiết. Sự căng thẳng này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang áp thuế quá cao với hàng hóa nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) và dọa trừng phạt các doanh nghiệp châu Âu làm ăn với Iran.

Việc ông Trump gần đây quyết định rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) đã trở thành một rào cản nữa trong mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ. Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống Macron cho rằng việc Mỹ rút khỏi hiệp ước vũ khí có tuổi đời 30 năm với Nga, trong đó cấm các bên sở hữu và phát triển các tên lửa tầm ngắn và tầm trung, đã làm suy yếu an ninh châu Âu.

“Ai là nạn nhân chính? Châu Âu và an ninh của châu Âu”, Tổng thống Pháp nhấn mạnh.

Theo Tổng thống Macron, lý do dẫn tới ý tưởng thành lập một lực lượng quân sự chung của châu Âu là nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào quyết định của các chính trị gia Mỹ. Ý tưởng này đã được đưa ra nhiều lần từ nhiều năm trước đây, song vẫn chưa được thực hiện.

Vài giờ sau phát biểu của Tổng thống Macron, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tuyên bố quân đội EU sẽ được thành lập vào một ngày nào đó. Ông Juncker từ lâu đã ủng hộ ý tưởng này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến ở châu Âu cũng lo ngại lực lượng quân sự EU sẽ làm suy yếu vai trò của NATO.


Tổng thống Trump và người đồng cấp Pháp Macron. (Ảnh: RT)

Tổng thống Trump và người đồng cấp Pháp Macron. (Ảnh: RT)

Việc kêu gọi châu Âu đóng góp ngân sách đầy đủ cho NATO là một trong những chủ đề ưu tiên của Tổng thống Trump. Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ, ông Trump đã hối thúc các đồng minh NATO ở châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng mục tiêu đóng góp với tỷ lệ 2% GDP như hiện nay là quá thấp và lẽ ra phải tăng lên gấp đôi.

Tổng thống Trump tin rằng Mỹ đã bị đối xử không công bằng và bị EU “lợi dụng”, không chỉ về quân sự mà cả về thương mại. Sau hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng 7, ông Trump thậm chí còn gọi EU là một “đối thủ” của Mỹ bên cạnh Nga và Trung Quốc.

Ngày 7/11, Sáng kiến Can thiệp châu Âu, một lực lượng can thiệp quân sự chung của khu vực châu Âu, do Pháp dẫn đầu đã ra mắt sau nhiều tháng đàm phán với Đức. Sáng kiến có sự tham gia của 10 nước với cam kết cùng hợp tác trong việc lên kế hoạch, phân tích khủng hoảng quân sự và nhân đạo, đồng thời đưa ra các phương án quân sự để giải quyết khủng hoảng.

Sáng kiến Can thiệp châu Âu do Tổng thống Macron đề xuất cách đây một năm và được cho là biện pháp nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của EU, giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ trong bối cảnh chính quyền Trump đang nới lỏng dần các cam kết với khu vực.

Thành Đạt

Theo RT