1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ông Trump “lao tâm khổ tứ” vì 3 cuộc khủng hoảng tại khu vực Đông Á

Sau 2 năm rưỡi cầm quyền, Tổng thống Trump đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn nghiêm trọng tại khu vực Đông Á.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đau đầu tìm cách giải quyết hai thách thức lớn tại khu vực Đông Á là chương trình hạt nhân Triều Tiên và chính sách thương mại của Trung Quốc, nhưng sau 2 năm rưỡi cầm quyền, ông đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn nghiêm trọng trong khu vực.

Ông Trump “lao tâm khổ tứ” vì 3 cuộc khủng hoảng tại khu vực Đông Á - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP.

Triều Tiên đã nối lại các vụ thử tên lửa tầm ngắn, tiến hành liên tiếp 4 vụ phóng tên lửa trong chưa đầy 2 tuần qua. Trong khi đó, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng diễn ra khốc liệt hơn, đỉnh điểm là việc Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp kỷ lục trong hơn 1 thập kỷ qua, làm chao đảo thị trường tài chính, dẫn đến lo ngại về nguy cơ bùng phát chiến tranh tiền tệ. Còn hai đồng minh lớn của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc thì rơi vào xung đột kinh tế xuất phát từ những mâu thuẫn trong lịch sử.

Ông Michael Green, cựu cố vấn chính sách Châu Á tại Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush cho rằng: “Đó là những vấn đề lớn. Thật không công bằng khi đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Trump nhưng sự thiếu chiến lược rõ ràng của ông Trump tại khu vực Đông Á đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Những vấn đề này đã tồn tại từ các đời tổng thống trước nhưng không ai giải quyết được và ông Trump cũng vậy. Giờ thì chúng đang diễn biến xấu hơn và đặc biệt cùng hội tụ tại một thời điểm”.

Các trợ lý tại Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Trump và các nhân viên của ông đã tích cực tham gia vào việc quản lý những điểm nóng và trấn an đồng minh tại Đông Á. Cố vấn an ninh Mỹ John Bolton đã đến thăm Châu Á vào cuối tháng 7 vừa qua, tiếp đến là chuyến thăm của Tân Bộ trưởng quốc phòng Mark T. Esper và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong tuần này.

Thách thức từ Triều Tiên

Triều Tiên đã tiến hành thử tên lửa 4 lần trong 2 tuần qua. Đó là những hệ thống tên lửa phức tạp, có thể xóa sổ nhiều thành phố của Nhật Bản, Hàn Quốc, chưa kể các lực lượng của Mỹ đồn trú tại hai quốc gia này.

Theo Bloomberg, các vụ thử nghiệm tên lửa tầm ngắn cho thấy Triều Tiên đang đạt được tiến bộ về công nghệ cần thiết để triển khai một loại vũ khí tinh vi, có tính cơ động cao, khó theo dõi, thậm chí có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân và sử dụng trong cuộc tấn công đầu tiên nếu chiến tranh nổ ra. Evans Revere, cựu quan chức ngoại giao Mỹ tại Hàn Quốc cho biết: “Rất khó để bắn hạ những tên lửa này. Chúng được phát triển với mục đích nhằm vào những nơi tập trung binh sỹ của Mỹ và Hàn Quốc, thậm chí là cả khu dân cư. Nếu đó không phải là mối đe dọa đối với Mỹ và đồng minh thi tôi không biết nên gọi là gì”.

Tuy vậy, Tổng thống Trump vẫn tuyên bố ông không hề lo lắng. Ông và các quan chức dưới quyền luôn cho rằng chính sách ngoại giao với Triều Tiên đang đi đúng hướng, một phần là nhờ quan hệ cá nhân tốt đẹp của ông với nhà lãnh đạo Kim Jong Un. Theo chính quyền Tổng thống Trump, Chủ tịch Kim Jong Un đã giữ lời hứa khi không tiến hành thử vũ khí hạt nhân hoặc thử tên lửa tầm xa có khả năng vươn tới lục địa Mỹ.

Song giới quan sát nhận định, chiến lược của Nhà Trắng về vấn đề Triều Tiên luôn tiềm ẩn những rủi ro và ngày càng đáng lo ngại hơn khi ông Kim Jong Un có ý định buộc Tổng thống Trump phải nhượng bộ. Họ cho rằng, ông Trump đang từ bỏ đòn bẩy và điều này sẽ gián tiếp khuyến khích Triều Tiên vượt qua “giới hạn đỏ” của Mỹ bằng một vụ thử hạt nhân. Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của một số quan chức Nhà Trắng.

“Tổng thống Trump đã rất hài lòng khi nói về việc nhà lãnh đạo Kim Jong Un kiềm chế tiến hành những vụ thử như vậy và khẳng định chính sách ngoại giao của ông rất thành công. Nhưng sự ảo tưởng này đang dồn ông vào chân tường. Mặt khác nó lại mang cho nhà lãnh đạo Triều Tiên đòn bẩy chiến lược. Ông Kim Jong Un có thể cảnh báo đang tính đến việc thử hạt nhân hay tên lửa tầm xa để buộc Tổng thống đưa ra một số nhượng bộ”, Jung Pak – chuyên gia tại Viện Brookings ở Washington cho biết.

Để trấn an lo ngại của các đồng minh về chính sách đối với Triều tiên Triều Tiên, trong chuyến thăm Tokyo hôm 6/8, Bộ trưởng Mark T. Esper khẳng định với báo chí: Bất chấp các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng đã giảm đi đáng kể từ khi ông Trump tiến hành các cuộc gặp song phương với Chủ tịch Kim Jong Un. Ông Esper cũng cam kết hợp tác chặt chẽ với những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng hối thúc 2 nước đồng minh phải giải quyết xung đột để tập trung vào vấn đề Triều Tiên và Trung Quốc.

Xung đột Nhật - Hàn không dễ hóa giải

Trong bối cảnh tình hình trên Bán đảo Triều Tiên chưa hạ nhiệt thì Tổng thống Trump lại phải đối mặt với khó khăn khác là cuộc xung đột giữa hai đồng minh ruột tại khu vực Đông Á. Căng thẳng gia tăng vào tháng 7 vừa qua khi Nhật Bản siết chặt xuất khẩu sang Hàn Quốc các nguyên vật liệu dùng để sản xuất chip bộ nhớ và chất bán dẫn. Động thái này nhằm đáp trả quyết định của tòa án Hàn Qốc yêu cầu các công ty Nhật Bản từng sử dụng lao động cưỡng bức trong Thế chiến thứ 2 phải đền bù cho các nạn nhân.

Ngày 2/8, chính phủ Nhật Bản đã chính thức quyết định loại bỏ Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng" bao gồm 27 quốc gia được ưu đãi về thương mại. Hàng nghìn người đã biểu tình tại thủ đô Seoul, kêu gọi tẩy chay Nhật Bản và chính quyền Tổng thống Moon Jae-in cũng đang xem xét dừng thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Tokyo.  

Mối quan tâm của Tổng thống Trump trong việc giải quyết căng thẳng giữa hai đồng minh bị nhiều ý kiến đánh giá là quá muộn. Sau cuộc gặp 3 bên với Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Moon Jae-in hồi tháng 7,  ông Trump nói rằng xử lý những tranh cãi giữa Tokyo và Seoul giống như một công việc “toàn thời gian”. “Không biết có bao nhiêu công việc tôi phải tham gia vào. Tôi đã tham gia vào vấn đề Triều Tiên. Tôi đã tham gia quá nhiều thứ”, ông Trump nói.  

Phía sau hậu trường, các quan chức chính quyền Tổng thống Trump đổ lỗi cho ông Moon Jae-in vì đã từ bỏ một thỏa thuận đạt được vào năm 2015 với sự hỗ trợ của chính quyền cựu Tổng thống Obama để giải quyết các vấn đề lịch sử. Họ cho biết, ông Trump đã hối thúc hai nhà lãnh đạo Nhật-Hàn tự giải quyết bất đồng với nhau.

Thương chiến với Trung Quốc

Tổng thống Trump đã làm rạn nứt quan hệ với các đồng minh và các đối tác khi phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Chính quyền của ông cũng gây sức ép buộc các nước khác phải lựa chọn đứng về bên nào trong nhiều vấn đề từ đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đến lệnh trừng phạt tập đoàn công nghệ viễn thông Huawei.

Ông Richard Fontaine, Chủ tịch Trung tâm An ninh mới của Mỹ cho biết: “Các nước trong khu vực muốn thấy được sự tham gia tích cực của Mỹ nhưng họ không muốn bị cuốn vào cuộc chiến toàn diễn giữa Mỹ và Trung Quốc “. Khi nói về cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung, ông Bonnie Glaser, nhà nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho biết: “Không bên nào thực sự quan tâm đến việc đàm phám nghiêm túc về một thỏa thuận vào thời điểm này. Vấn đề sẽ vẫn còn đó cho đến khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra”.

Ông Danny Russel, quan chức cấp cao phụ trách chính sách Châu Á dưới thời Tổng thống Obama nhận định, hiện có rất nhiều thách thức mà Tổng thống Trump phải đối mặt trước cuộc bầu cử Mỹ năm 2020. Theo ông, cách tiếp cận của nhà lãnh đạo Mỹ với khu vực Đông Á “là chưa hiệu quả” và đang có một cuộc khủng hoảng niềm tin giữa những người bạn và đồng minh của Mỹ tại Châu Á. “Họ ngày càng hoài nghi về sự tin cậy và cách giải quyết vấn đề của Washington”, Danny Russel nói.

Theo Hồng Anh

VOV.VN