Ông Trump gây tranh cãi khi giáng đòn trừng phạt mạnh với Trung Quốc
(Dân trí) - Lệnh áp thuế mới của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc không chỉ khiến thị trường chứng khoán chao đảo mà còn gây khó khăn cho các cuộc đàm phán thương mại.
Tổng thống Donald Trump ngày 1/8 bất ngờ leo thang cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khi thông báo Mỹ sẽ áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc tiếp theo nhập khẩu vào Mỹ. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí cảnh báo mức thuế có thể tăng lên hơn 25%.
Đợt áp thuế mới của Mỹ sẽ bắt đầu từ ngày 1/9 và các hàng hóa dự kiến bị áp thuế gồm điện thoại thông minh, máy tính xách tay và quần áo trẻ em. Mức thuế mới không bao gồm 250 tỷ USD hàng Trung Quốc đã bị Mỹ áp thuế 25% trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc gần như toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đều bị áp thuế.
Lệnh áp thuế mới là động thái leo thang căng thẳng mạnh nhất của chính quyền Trump trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Đây cũng là dấu chấm hết cho thỏa thuận đình chiến thương mại được Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản hồi tháng 6.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có phản hồi chính thức đầu tiên sau tuyên bố của Tổng thống Trump.
“Việc áp thuế mới chắc chắn không phải là cách mang tính xây dựng để giải quyết mâu thuẫn kinh tế và thương mại. Đó không phải là cách đúng đắn”, ông Vương nói khi đang dự hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN tại Thái Lan.
Không lâu sau thông báo áp thuế của Tổng thống Trump, thị trường chứng khoán và giá dầu “lao dốc”. Tại châu Á, chỉ số Nikkei tại Tokyo giảm 2% trong phiên sáng nay, trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 1,3%. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hong Kong cũng lao đao.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tỏ ra lo ngại về động thái mới của Tổng thống Trump.
“Chúng tôi lo ngại rằng động thái hôm nay (của Mỹ) sẽ đẩy Trung Quốc ra khỏi bàn đàm phán, dập tắt hy vọng mới được nhen nhóm sau vòng đàm phán thứ hai vừa kết thúc trong tuần này tại Thượng Hải. Chúng tôi cũng lo ngại rằng mức thuế quan mới sẽ làm xói mòn uy tín của chúng tôi với tư cách là một nhà cung cấp đáng tin cậy, và những người nông dân, công nhân và người tiêu dùng của chúng tôi sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn”, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung Craig Allen nhận định.
Tương lai của đàm phán thương mại
Nhiều ý kiến trái chiều đã xuất hiện ở cả Mỹ và Trung Quốc khi “quả bom” thuế quan của ông Trump “phát nổ”. Đa số ý kiến cho rằng ông Trump đã “dội gáo nước lạnh” vào những nỗ lực đàm phán thương mại mà Washington và Bắc Kinh đã phải rất vất vả để duy trì trong những tuần qua.
“Động thái leo thang căng thẳng của ông Trump xảy ra ngay sau cuộc đàm phán mới nhất tại Thượng Hải. Điều này đã cho thấy sự tàn nhẫn của ông ấy. Thuế quan mới chắc chắn sẽ làm cản trở động lực cho các cuộc đàm phán thương mại. Tuy nhiên, Trung Quốc đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, khi Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi người dân tham gia cuộc “Vạn lý Trường chinh mới” sau khi đàm phán (với Mỹ) đổ vỡ hồi tháng 5”, Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Rennin ở Bắc Kinh, Trung Quốc, nhận định.
Theo Edward Alden, nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, “cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc đã thất bại và ông ấy đang đi theo một chiến lược sai lầm. Mục đích áp thuế (của Mỹ) là buộc Trung Quốc tiến hành những thay đổi về mặt cấu trúc đối với nền kinh tế của nước này. Tuy nhiên, thuế quan đã không làm được điều đó. Trung Quốc sẵn sàng sống chung với thiệt hại, thay vì chấp nhận thay đổi như Mỹ mong muốn”.
Victor Shih, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học San Diego California, cho rằng nếu Mỹ thực sự áp thuế với Trung Quốc như đe dọa của Tổng thống Trump, Bắc Kinh sẽ tìm ra cách thức mới để đáp trả, chẳng hạn dừng mua máy bay Boeing hay trừng phạt các nhà cung cấp dịch vụ Mỹ.
Kế hoạch áp thuế mới của Mỹ càng đẩy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vào tình trạng bị mắc kẹt trong tranh chấp thương mại kéo dài. Mặc dù hai nước vẫn tiếp tục đàm phán, song con đường đạt được một thỏa thuận ngày càng thu hẹp lại khi Bắc Kinh và Washington đưa ra lập trường cứng rắn hơn và khi bối cảnh chính trị, bao gồm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, càng làm phức tạp hơn cơ hội thỏa hiệp.
Mỹ khăng khăng cho rằng Trung Quốc cần mua thêm nông sản của Mỹ và đồng ý tiến hành những thay đổi nhất định trong luật pháp Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh từ chối sửa luật và tuyên bố chỉ đồng ý ký thỏa thuận thương mại nếu điều đó mang lại lợi ích cho cả hai bên.
“Chúng tôi từng nghĩ chúng tôi đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc 3 tháng trước đây, nhưng đáng buồn là Trung Quốc đã quyết định đàm phán lại thỏa thuận trước khi ký. Gần đây nhất, Trung Quốc đồng ý mua nông sản của Mỹ với số lượng lớn, nhưng họ lại không làm”, ông Trump bày tỏ sự thất vọng trên Twitter.
Một số quan chức và nghị sĩ Mỹ không đồng tình với cách làm của Tổng thống Trump với Trung Quốc. Roy Wyden, nghị sĩ Dân chủ tại Ủy ban Tài chính Thượng viện, đã lên tiếng phản đối kế hoạch của ông chủ Nhà Trắng.
“Tôi luôn là người đầu tiên ủng hộ cứng rắn với Trung Quốc. Nhưng ông Trump không có bất kỳ chiến lược nào để ngăn Trung Quốc dừng lừa gạt về thương mại. Cách duy nhất ông ấy biết là làm thế nào để tăng thuế”, Wyden cho biết, đồng thời dự báo đợt áp thuế mới của Mỹ sẽ khiến giá cả của nhiều mặt hàng tăng vọt và ảnh hưởng tới việc làm của người Mỹ.
“Chúng tôi thất vọng khi chính quyền theo đuổi chiến lược thuế quan sai lầm, cản trở tốc độ phát triển kinh tế của Mỹ, tạo ra sự thiếu ổn định và gây khó khăn cho hoạt động đầu tư”, David French, phó chủ tịch hiệp hội bán lẻ quốc gia Mỹ, nhận định.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà phân phối và bán lẻ giày dép Mỹ Matt Priest cho rằng “Tổng thống Trump thực chất đang dùng các gia đình Mỹ làm con tin trong cuộc đàm phán chiến tranh thương mại của ông”.
Thành Đạt
Theo Bloomberg, Guardian