1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Ông Trump đặt cược "tất tay” vào thương chiến Mỹ-Trung để tái đắc cử?

Để suy đoán thương chiến Mỹ Trung có thể đi tới đâu, thì phải xem những ưu tiên của ông Trump nhằm tái đắc cử trong cuộc bầu cử 2020 là gì.

Ông Trump đặt cược tất tay” vào thương chiến Mỹ-Trung để tái đắc cử? - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: SCMP

Suy tính từ Mỹ và Trung Quốc

Những tuyên bố trên Twitter của ông Trump có thể bộc lộ rằng ông có thể từ bỏ việc thỏa thuận với Trung Quốc. “Chúng ta sẽ tốt hơn nếu không có chúng”, ông nói.

Ông Trump có thể quyết định rằng sẽ không có thỏa thuận nào cả vì ông Tập không nhượng bộ. Tuy nhiên, đây có thể là thủ đoạn chính trị cho chiến dịch tái tranh cử với ý tưởng rằng, Trung Quốc là kẻ chơi xấu không sẵn lòng sửa sai và rằng Donald Trump là “người được chọn” để thách thức Trung Quốc.

Hơn nữa, không phải ngẫu nhiên mà một trong những đòn thuế quan của ông không khác gì “đấm vào mũi” Trung Quốc lại có hiệu lực vào ngày 1/10 tới, thời điểm Trung Quốc kỷ niệm 70 năm Quốc khánh.

Trong khi đó, các đòn thuế quan của Trung Quốc, từ đậu nành tới ô tô, chắc chắn là được “thiết kế” nhằm vào chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 theo hướng bất lợi cho ông Trump.

 “Có động cơ chính trị”, ông Trump đã tuyên bố như vậy trên Twitter khi nói về các đòn thuế quan của Trung Quốc.

Trung Quốc có thể không chỉ dừng lại ở thuế quan

Mối quan hệ sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc có thể cho phép 2 bên giáng những đòn bất đối xứng đáng kể vào đối phương.

Trong khi phản ứng chính của Trung Quốc hiện nay đối với cuộc chiến thương mại là các đòn thuế quan trả đũa và ngón đòn này có thể không kéo dài được lâu. Còn Mỹ đã đi xa hơn các đòn thuế quan, khi giờ Tổng thống Trump “ra lệnh” cho các công ty Mỹ tìm cách chấm dứt hoạt động ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có một loạt lựa chọn nhằm làm tổn hại lợi ích của Mỹ trong đó có cả các rào cản phi thuế quan như “danh sách các thực thể không đáng tin cậy”, phát tín hiệu rằng các nhà thầu quốc phòng Mỹ sẽ bị trừng phạt vì bán vũ khí cho Đài Loan.

Trung Quốc cũng có thể tung đòn đáp trả nhằm vào các công ty công nghệ Mỹ đang cắt giảm kinh doanh với Huawei hay các công ty ủng hộ làn sóng biểu tình ở Hong Kong.

Các doanh nghiệp Mỹ cũng lo ngại về làn sóng ngầm tẩy chay hàng hóa Mỹ, điều đã từng xảy ra trước đây.

Bầu cử 2020 ở Mỹ tác động thế nào tới thương chiến?

Giống như mọi Tổng thống khác của Mỹ, ông Trump rất muốn tái đắc cử. Tình trạng nền kinh tế Mỹ từ nay tới năm 2020, thời điểm cuộc bầu cử diễn ra, sẽ tác động đến khả năng ông có thể tái đắc cử hay không.

Dù ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 với tỷ lệ phiếu đại cử tri 304-227 trước đối thủ khi đó là cựu Ngoại trưởng Hilary Clinton, nhưng ông lại có số phiếu phổ thông ít hơn tới gần 3 triệu phiếu.

Nếu như 79.000 cử tri ở các bang Michigan, Pennsylvania và Wisconsin đã lựa chọn khác, thì ông Trump thậm chí đã thua về số phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử 2016.

Bộ máy tranh cử của ông hiểu rằng ông Trump không thể chấp nhận sẽ thua bất cứ phiếu nào ở 3 bang quan trọng này. Tới nay, cuộc thương chiến với Trung Quốc vẫn đóng vai trò khá quan trọng ở những bang “căn cứ địa” của ông. Bản thân ông Trump cũng sẽ không coi nhẹ cuộc chiến thương mại, bởi ông tin vào nó.

Chúng ta có thể phỏng đoán thương chiến Mỹ-Trung sẽ vẫn tiếp diễn cho đến khi nền kinh tế Mỹ thực sự bắt đầu trì trệ và đe dọa khả năng tái đắc cử của ông Trump. Khi đó, có khả năng ông Trump sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết, trong đó có một thỏa thuận nào đó với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đủ để tác động tích cực đến các thị trường.

Sự trợ giúp đối với nông dân là một yếu tố quan trọng

Một trong những lĩnh vực mà Mỹ đang gặp khó khăn do sự đối đầu kinh tế gây nên chính là nông nghiệp. Ông Trump không thể “bỏ rơi” lĩnh vực này bởi các nông dân là một trong những thành phần chủ chốt ủng hộ ông.

Vì sao các nông dân bị ảnh hưởng tới vậy? Trước tiên, là vì các đòn thuế quan hiện hành của Trung Quốc. Thứ hai là việc Trung Quốc dừng thu mua nông sản từ Mỹ.

Thứ ba, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hiện nay đã có hiệu lực, điều này mở ra các thị trường mới cho các đối thủ bên ngoài nước Mỹ, đặc biệt là ở Nhật Bản.

Nhìn vào các chính sách của ông Trump nhằm thu nhỏ ảnh hưởng đối với các nông dân Mỹ, có thể thấy chính quyền của ông sẵn sàng kéo dài cuộc chiến thương mại với Trung Quốc nếu cần thiết.

Chính phủ Mỹ đang chi 25 tỷ USD hỗ trợ các nông dân. Ngoài ra, Mỹ cũng nỗ lực mở cửa thị trường nông nghiệp Nhật Bản với một thỏa thuận thương mại song phương mà theo đó, Tokyo sẽ giảm mức thuế đối với thịt bò và thịt lợn của Mỹ xuống ngang bằng với mức thuế trong CPTPP. Đó là thỏa thuận có thể sớm đạt được.

Đánh cược bằng kinh tế

Liệu ông Trump có thể tìm được các giải pháp mới nhằm điều chỉnh nền kinh tế Mỹ và tránh sự suy giảm kinh tế mà thương chiến gây ra hay không? Nếu có thể, ông Trump càng có thể cứng rắn hơn trong đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Nhưng nếu nền kinh tế chững lại đáng kể, và thậm chí là suy thoái, điều này có thể thay đổi tính toán của ông Trump.

Mới vài ngày trước, ông Trump còn xem ông Tập như “kẻ thù”, thậm chí lấy làm tiếc vì đã không nâng mức thuế cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc

Nói về những tuyên bố này, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, một trong những nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ trong các cuộc đối thoại với Trung Quốc về thương mại, nói rằng ông Trump vẫn kiên quyết trong việc buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ.

Không ai biết ông Trump, một vị Tổng thống “tay ngang” và thất thường, tính toán như thế nào. Ông có thể suy tính rằng: nếu không có một thỏa thuận có lợi, thì tại sao không biến Trung Quốc thành một “ông ba bị” mà chỉ ông mới có thể thỏa thuận?

Cuối cùng, ông Trump có thể đánh cược bất cứ điều gì cần thiết để tái đắc cử. Tuy nhiên, liệu cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có thể đem lại cho ông Trump thêm một nhiệm kỳ nữa hay không thì phải chờ tới cuộc bầu cử 2020./.

Theo Hoàng Phạm

VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm