1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Trump có thể ra "tối hậu thư" cho Nga - Ukraine để chấm dứt xung đột

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump được cho là đang xây dựng một kế hoạch giải quyết xung đột Ukraine - Nga bao gồm các điều kiện đặt ra cho cả hai bên.

Ông Trump có thể ra tối hậu thư cho Nga - Ukraine để chấm dứt xung đột - 1

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Theo thông tin được công bố trên báo Telegraph (Anh), Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có ý định sử dụng chiến lược "cây gậy và củ cà rốt" để thúc đẩy Nga và Ukraine tham gia các cuộc đàm phán hòa bình.

Theo kế hoạch này, Mỹ sẽ dọa cắt giảm hoặc dừng hoàn toàn viện trợ quân sự cho Ukraine nhằm buộc Kiev phải bắt đầu đàm phán với Nga. Mặt khác, Washington cũng ra "tối hậu thư" với Moscow, dọa sẽ tăng cường trừng phạt kinh tế và các biện pháp gây sức ép khác nếu Nga trì hoãn quá trình giải quyết xung đột.

Các cố vấn của Tổng thống đắc cử Trump, bao gồm tướng đã nghỉ hưu Keith Kellogg - người được chọn làm đặc phái viên về vấn đề Ukraine, đã đề xuất một số phương án để chấm dứt xung đột dựa trên sự kết hợp giữa việc tạo ra áp lực và động lực cho cả hai bên. Họ tin rằng cách tiếp cận như vậy có thể dẫn đến việc chấm dứt giao tranh nhanh hơn và một nền hòa bình lâu dài trong khu vực.

Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Trump liên tục tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng "24 giờ" sau khi nhậm chức, nhưng không đưa ra bất kỳ thông tin cụ thể nào về cách ông sẽ đạt được mục tiêu này.

Truyền thông đưa tin ông Trump có ý định "đóng băng" cuộc xung đột dọc theo giới tuyến hiện tại.

Ông Trump nhiều lần tuyên bố cần phải xem xét lại khối lượng viện trợ quân sự cho Ukraine, nhấn mạnh rằng Mỹ không nên gánh chịu gánh nặng viện trợ chính trong cuộc xung đột này. Ông cũng bày tỏ sự sẵn sàng đối thoại với các nhà lãnh đạo Nga để tìm ra các giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai bên.

Tuy nhiên, một số chuyên gia và quan chức NATO đã bày tỏ lo ngại về những sáng kiến như vậy. Họ tin rằng bất kỳ thỏa thuận nào cho phép Nga duy trì quyền kiểm soát đối với các vùng lãnh thổ của Ukraine đều có thể làm suy yếu lợi ích của Mỹ và các đồng minh của nước này, đồng thời tạo ra tiền lệ cho các hành động tiếp theo.

Trong khi đó, các quan chức Nga lạc quan về khả năng chính quyền mới của Mỹ xem xét lại chính sách trừng phạt. Moscow hy vọng rằng trong một số điều kiện nhất định, các lệnh trừng phạt có thể được nới lỏng hoặc dỡ bỏ hoàn toàn, điều này sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế Nga.

Tổng thống Zelensky từng kiên quyết bác bỏ khả năng đưa ra bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ nào với Moscow, nhưng gần đây đã có lập trường mềm mỏng hơn. Các chuyên gia cho rằng những tổn thất của Ukraine trên chiến trường và đà tiến công của Nga đã khiến ông Zelensky thay đổi lập trường.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Tổng thống Zelensky cho biết, Ukraine để ngỏ ký thỏa thuận ngừng bắn với Nga nếu các vùng lãnh thổ hiện do Ukraine kiểm soát được đặt dưới sự bảo trợ của NATO, trong khi lãnh thổ do Moscow kiểm soát sẽ được khôi phục sau này bằng con đường ngoại giao. Ông thừa nhận, Ukraine không thể giành lại các vùng lãnh thổ đã mất bằng sức mạnh quân sự.

Theo Telegraph