Cựu lãnh đạo NATO: Ukraine có thể phải nhượng lãnh thổ để chấm dứt xung đột
(Dân trí) - Cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng Ukraine có thể sẽ phải nhượng bộ tạm thời về lãnh thổ để chấm dứt xung đột với Nga.
"Chúng ta cần một ranh giới ngừng bắn lý tưởng nhất là bao gồm tất cả các vùng lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát… Tuy nhiên, thực tế là chúng ta không thấy điều này có thể thực hiện được trong tương lai gần", cựu Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Table.Media hôm 2/12.
Ông Stoltenberg cũng lưu ý rằng Ukraine sẽ cần "bảo đảm an ninh" sau khi lệnh ngừng bắn được thực thi.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Keir Starmer cho biết việc tăng cường hỗ trợ cho Ukraine là điều cần thiết để đưa Kiev vào vị thế mạnh nhất cho các cuộc đàm phán hòa bình.
Ông Starmer nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phương Tây tiếp tục hỗ trợ Ukraine, đồng thời cảnh báo chiến thắng của Nga ở Ukraine sẽ đe dọa đến an ninh, sự ổn định và thịnh vượng của châu Âu, nhất là khi chiến thắng này có thể tiếp thêm động lực cho các đồng minh của Nga.
"Chúng ta phải tiếp tục hỗ trợ Ukraine và làm mọi cách để hỗ trợ quyền tự vệ của họ trong thời gian cần thiết. Đưa Ukraine vào vị thế đàm phán mạnh nhất có thể để họ có thể đảm bảo một nền hòa bình công bằng và lâu dài theo các điều khoản của họ, đảm bảo an ninh, độc lập và quyền lựa chọn tương lai của họ", ông Starmer nhấn mạnh.
Bình luận của nhà lãnh đạo Anh, một trong những nước viện trợ quân sự hàng đầu cho Ukraine, được đưa ra trong bối cảnh Nga đang tiến công với tốc độ nhanh nhất ở Ukraine kể từ năm 2022 và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã cảnh báo ông Trump rằng Mỹ sẽ phải đối mặt với "mối đe dọa khủng khiếp" từ Trung Quốc, Iran và Triều Tiên nếu Ukraine buộc phải nhượng bộ để chấm dứt cuộc chiến với Nga.
Ông Rutte đã cảnh báo về các kế hoạch của Tổng thống đắc cử về một thỏa thuận hòa bình Nga - Ukraine, mà ông cho rằng sẽ dẫn đến việc các đối thủ của phương Tây liên kết với nhau và lên kế hoạch cho các cuộc tấn công khác.
Cuối tháng trước, tướng Keith Kellogg, ứng viên đặc phái viên phụ trách vấn đề xung đột Nga - Ukraine do Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump lựa chọn, đã đưa ra một kế hoạch hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến này.
Đề xuất của ông Kellogg bao gồm việc đóng băng xung đột Nga - Ukraine theo chiến tuyến hiện tại bằng một lệnh ngừng bắn và thiết lập một khu phi quân sự.
Nếu chấp nhận điều này, Nga sẽ được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt và tiến tới được dỡ bỏ hoàn toàn khi một thỏa thuận hòa bình được ký kết theo ý muốn của Ukraine. Viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine sẽ phụ thuộc vào việc nước này có sẵn sàng tham gia đối thoại với Nga hay không.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Sky News hôm 29/11, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bất ngờ để ngỏ ký thỏa thuận ngừng bắn với Nga. Đây là lần đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra cách đây gần 3 năm, ông Zelensky phát tín hiệu sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn với Nga, đổi lại, NATO sẽ bảo trợ các vùng lãnh thổ hiện do Ukraine kiểm soát.
"Nếu muốn chấm dứt giai đoạn nóng của cuộc chiến, chúng tôi cần đưa lãnh thổ Ukraine mà chúng tôi đang kiểm soát vào chiếc ô bảo trợ của NATO. Chúng tôi cần phải làm điều đó nhanh chóng. Sau đó Ukraine có thể lấy lại các vùng lãnh thổ mà Nga đã kiểm soát bằng con đường ngoại giao", ông Zelensky nói.
Trong suốt cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua, chính quyền của ông Zelensky luôn tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân và khôi phục lại đường biên giới năm 1991 cho Ukraine.
Theo giới quan sát, những bước lùi trên chiến trường của Ukraine cũng như việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump theo đuổi giải pháp nhằm nhanh chóng chấm dứt xung đột là hai trong số các lý do khiến Kiev thay đổi lập trường.