1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Trump có thể cứng rắn với Trung Quốc vào cuối nhiệm kỳ

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump được dự đoán sẽ tiếp tục các chính sách cứng rắn với Trung Quốc vào những tháng cuối của nhiệm kỳ, trong khi ông vẫn theo đuổi cuộc chiến pháp lý với đối thủ Joe Biden.

Ông Trump có thể cứng rắn với Trung Quốc vào cuối nhiệm kỳ - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Reuters)

Hơn 1 tuần sau ngày bầu cử chính thức, Tổng thống Donald Trump cho đến nay vẫn chưa chấp nhận kết quả từ các hãng truyền thông lớn cũng như tuyên bố chiến thắng của đối thủ Joe Biden.

Lễ nhậm chức của tân tổng thống dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20/1 năm sau. Theo nhận định của giới phân tích, từ giờ cho tới thời điểm đó, dù cho kết quả bầu cử ngã ngũ như thế nào, ông Trump vẫn có thể giáng thêm nhiều đòn nhằm vào Trung Quốc.

Trung Quốc có thể trở thành mục tiêu hàng đầu của Tổng thống Trump trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng nhiều lần đổ lỗi cho Bắc Kinh về đại dịch Covid-19, coi đây là nguyên nhân khiến nền kinh tế Mỹ bị đình trệ và ảnh hưởng xấu tới triển vọng tái đắc cử của ông.

“Ông Trump từng hứa sẽ trừng phạt Trung Quốc vì Covid-19, và câu hỏi đặt ra bây giờ là, lời hứa đó có nghĩa là gì”, Jeff Moon, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết.

Ông Moon cho rằng nhiều khả năng Tổng thống Trump sẽ có các động thái cứng rắn với Trung Quốc vào phút chót.

Một trong những vấn đề ông Trump có thể sử dụng để gây sức ép với Trung Quốc là vấn đề Đài Loan. Ông Trump có thể cử một thành viên trong nội các của ông tới Đài Bắc, tăng cường hơn nữa quan hệ quân sự với Đài Loan và công bố các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do với hòn đảo này.

“Họ (chính quyền Trump) đang cố gắng triển khai nhiều chính sách nhất có thể và đó sẽ là những chính sách khó đảo ngược, dù cho là chính sách về Trung Quốc, Iran, hay bất kỳ nơi nào khác”, Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận định.

Ngoài ra, Tổng thống Trump có thể gây sức ép với Trung Quốc về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Ông Trump cũng có thể hạn chế thị thực của các quan chức Trung Quốc hoặc gây khó khăn bằng cách yêu cầu các vận động viên Mỹ không tham gia Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.

Các sắc lệnh hành pháp thường không mang sức nặng về pháp lý, do vậy chúng dễ dàng bị đảo ngược. Tuy nhiên, nếu chính quyền Trump đưa ra các sắc lệnh hành pháp, chính quyền Biden vẫn khó có thể tác động tới các sắc lệnh này trong tương lai, vì việc đảo ngược sắc lệnh có thể bị xem là biểu hiện của sự mềm yếu. Hơn nữa, việc đảo ngược quá nhanh các sắc lệnh cũng làm suy giảm mức độ tín nhiệm vốn đã bị tổn hại của Mỹ.

Người Mỹ ngày càng lo ngại việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đông, phô diễn sức mạnh với Ấn Độ, Nhật Bản, Đông Nam Á, và có các động thái cứng rắn ở Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, hiện 73% người Mỹ có thái độ tiêu cực về Trung Quốc, tăng 13% so với năm 2019 và 20% từ khi ông Trump nhậm chức vào năm 2017.

Các công cụ khác Tổng thống Trump có thể sử dụng với Trung Quốc gồm: đưa thêm các công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc vào danh sách trừng phạt, mở rộng lệnh hạn chế nhằm vào các hàng hóa xuất khẩu có thể sử dụng cho cả 2 mục đích dân sự - quân sự, cấm thêm các ứng dụng công nghệ của Trung Quốc sau các đòn trừng phạt nhằm vào TikTok và WeChat, chặn tất cả hợp đồng bán thiết bị bán dẫn cho tập đoàn viễn thông Huawei ngoài các thiết bị dùng cho mạng 5G. Washington cũng có thể tuyên bố Bắc Kinh là bên thao túng tiền tệ và từ đó áp lệnh trừng phạt.

Ông Trump ngày 12/11 đã ký sắc lệnh hành pháp nhằm ngăn các công ty đầu tư, các quỹ hưu trí và các nhà đầu tư khác của Mỹ mua bán cổ phần của 31 doanh nghiệp Trung Quốc bị Lầu Năm Góc liệt kê vào diện hỗ trợ cho quân đội Trung Quốc. Sắc lệnh cho các nhà đầu tư thời hạn đến tháng 11/2021 để thoái vốn khỏi các doanh nghiệp này. Sắc lệnh dự kiến có hiệu lực từ ngày 11/1/2021, chỉ khoảng hơn 1 tuần trước khi nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump kết thúc.

Chính sách của ông Biden với Trung Quốc

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden, người được truyền thông Mỹ tính toán sẽ đắc cử, cho đến nay chưa đưa ra chiến lược chi tiết đối với Trung Quốc.

Christopher Miller, phó giáo sư về lịch sử quốc tế tại Đại học Tuft, cho rằng đảng Cộng hòa sẽ chỉ trích ông Biden là người “mềm yếu trước Trung Quốc”.

Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Biden có thể tiếp tục chính sách cứng rắn với Bắc Kinh nếu ông trở thành chủ nhân Nhà Trắng.

Joe Biden từng ủng hộ việc tăng cường quan hệ với Trung Quốc hồi thập niên 1970. Ông đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ít nhất 8 lần trong sự nghiệp chính trị kéo dài 50 năm.

Tuy nhiên, lập trường của ông Biden đối với Trung Quốc đã trở nên cứng rắn hơn trong 10 năm qua. Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông đã chỉ trích Bắc Kinh vì các động thái ở Hong Kong và Tân Cương.

Trong một bài viết hồi đầu năm nay nhằm vạch ra những ưu tiên chính sách của mình, ông Biden gọi Trung Quốc là “thách thức đặc biệt” , đồng thời khẳng định ông cần có những chính sách tốt hơn ông Trump để đối phó Trung Quốc.

Theo giáo sư Sarah Kreps tại Đại học Cornell, ngay cả khi chính quyền Trump không có những động thái cứng rắn với Trung Quốc trong những tháng cuối nhiệm kỳ, chính quyền Biden vẫn phải đối mặt với một Bắc Kinh ngày càng quyết liệt hơn.

“Sức mạnh của Trung Quốc đã tăng đáng kể trong 4 năm qua. Do vậy, nhiều chính sách (với Trung Quốc) của ông Biden sẽ có những điểm tương đồng với chính quyền Trump”, giáo sư Kreps nhận định.

Kunihiko Miyake, cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, cho rằng đối đầu Mỹ - Trung sẽ không thể giảm bớt ngay cả khi chính quyền mới lên nắm quyền ở Mỹ, vì cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều nhất trí rằng Bắc Kinh là đối thủ chiến lược chính của Washington.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm