1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Nội các mới của chính quyền Biden có thể “rắn” với Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Giới phân tích nhận định Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao khi ông Joe Biden chọn các thành viên cho nội các mới, trong đó có thể có những người cứng rắn hoặc mềm mỏng với Bắc Kinh.

Nội các mới của chính quyền Biden có thể “rắn” với Trung Quốc - 1

Ông Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc gặp nhau tại Washington năm 2012. (Ảnh: UPI)

Theo giới phân tích, sự kết hợp giữa những người có quan điểm cứng rắn và những người muốn hợp tác với Trung Quốc trong nội các của ông Joe Biden là điều cần thiết để ông nhận được sự ủng hộ của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa khi hai đảng thông qua các vị trí nhân sự này.

Trong trường hợp ông Biden chính thức đắc cử tổng thống Mỹ và thành lập chính phủ mới, đại dịch Covid-19 và nền kinh tế sẽ là hai vấn đề được ưu tiên. Tuy nhiên cách tiếp cận của ông đối với Trung Quốc sẽ là một phần chính sách đối ngoại then chốt, và các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ tìm cách thiết lập mối quan hệ tốt hơn với chính quyền Mỹ mới.

Ông Biden phát đi những tín hiệu lẫn lộn về Trung Quốc trong giai đoạn tranh cử. Tháng 5/2019, ông nói rằng mối quan hệ với Trung Quốc “không phải sự cạnh tranh” đối với Mỹ, nhằm bác bỏ quan điểm cho rằng Washington nên quan ngại về Bắc Kinh như một đối thủ địa chính trị. Phát biểu này đã vấp phải sự chỉ trích của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, vì ông Biden bị cho là đã đánh giá thấp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, ông Biden cũng phát tín hiệu cho thấy ông sẽ cứng rắn với Trung Quốc, khi chỉ trích lãnh đạo Trung Quốc và ngụ ý rằng ông sẽ thách thức các chính sách của Bắc Kinh đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Mặc dù căng thẳng giữa hai siêu cường dự kiến sẽ vẫn còn tiếp diễn, song giới phân tích Trung Quốc cho rằng việc ông Biden lựa chọn các quan chức chính phủ vào nội các sẽ được Bắc Kinh theo dõi sát sao để thăm dò bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy hướng đi của chính quyền Mỹ mới.

Các vị trí nội các

Ứng viên hàng đầu cho vị trí ngoại trưởng trong chính quyền Biden được dự đoán là bà Susan Rice, người từng là cố vấn an ninh quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Bà Rice có quan hệ công việc gần gũi với ông Biden và từng được ông Biden cân nhắc cho vị trí ứng viên phó tổng thống, trước khi bà Kamala Harris được chọn.

Mặc dù các nhà ngoại giao và chuyên gia về chính sách đối  ngoại ở châu Á cho rằng bà Rice thiếu kiến thức về khu vực này, song giới phân tích Trung Quốc cho rằng bà sẽ có xu hướng thúc đẩy hợp tác với Bắc Kinh.

“Bà Rice là người ôn hòa và ủng hộ hợp tác. Bà ấy nhìn thấy giá trị trong việc hợp tác với Trung Quốc. Hai nước cần thiết phải nối lại các cuộc đối thoại và đạt được mốt số đồng thuận”, Wang Yong, giám đốc Trung tâm Kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, nhận định.

Trong khi đó, bà Michele Flournoy, ứng viên đang được ông Biden nhắm đến cho vị trí lãnh đạo Lầu Năm Góc và từng là Thứ trưởng Quốc phòng thời Obama, có thể khiến Bắc Kinh lo ngại.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Foreign Affairs hồi tháng 6, bà Flournoy nói rằng nguy cơ chiến tranh với Trung Quốc hiện cao hơn so với nhiều thập niên trước đây. Bà Flournoy đề xuất Mỹ ngăn chặn Trung Quốc ở khu vực bằng cách mở rộng năng lực quân sự của Mỹ để “đủ khả năng dọa đánh chìm các tàu quân sự, tàu ngầm và tàu hàng của Trung Quốc trên biển Đông trong vòng 72 giờ”.

Một ứng viên khác đang được xem xét đưa vào nội các của ông Biden là Antony Blinken - người từng là thứ trưởng ngoại giao trong nhiệm kỳ hai của ông Obama. Ông Blinken đang được cân nhắc cho hai vị trí có tầm ảnh hưởng lớn trong đội ngũ của ông Biden: ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia.

“Những người như bà Rice và ông Blinken sẽ muốn duy trì vai trò lãnh đạo của Mỹ trong trật tự thế giới tự do và xây dựng liên minh để cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng việc lựa chọn bà Flournoy có thể cho thấy rằng, đã có những tiếng nói trong nội bộ đảng Dân chủ nhằm kêu gọi Mỹ ứng phó với Trung Quốc theo cách nghiêm túc hơn. Chúng ta cần thấy những tiếng nói diều hâu trong đảng Dân chủ và phải chờ xem họ sẽ gây ảnh hưởng đến quan hệ Trung - Mỹ như thế nào”, chuyên gia Wang nhận định.

Trong một bài viết hồi đầu năm nay nhằm vạch ra những ưu tiên của mình, ông Biden gọi Trung Quốc là “thách thức đặc biệt” , đồng thời khẳng định ông cần có những chính sách tốt hơn ông Trump để đối phó Trung Quốc.

 “Cách hiệu quả nhất để xử lý thách thức đó là xây dựng một mặt trận thống nhất gồm các đồng minh và đối tác của Mỹ để đối phó với các hành vi bắt nạt của Trung Quốc, mặc dù chúng ta vẫn hợp tác với Bắc Kinh trong những vấn đề mà hai bên có lợi ích chung như biến đổi khí hậu, không phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh y tế toàn cầu”, ông Biden viết.

Theo Shen Dingli, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Thượng Hải, sự đồng thuận giữa hai đảng của Mỹ về việc theo đuổi đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc nhiều khả năng vẫn được duy trì, dù cho ai được bổ nhiệm vào nội các.

“Mỹ hiện nay nhìn nhận Trung Quốc rất khác so với thời ông Obama lên cầm quyền, thể hiện ở những đạo luật về Hong Kong và Tân Cương được hai đảng (ở Mỹ) thông qua gần đây. Ông Biden sẽ cần có cách tiếp cận khác với Trung Quốc trước sự đồng thuận đó”, chuyên gia Shen nhận định.

Kunihiko Miyake, cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, cho rằng đối đầu Mỹ - Trung sẽ không thể giảm bớt dưới thời một chính quyền mới của Mỹ, vì cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều nhất trí rằng Trung Quốc là đối thủ chiến lược chính của Mỹ.

Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế ở Bắc Kinh, cho rằng Mỹ có khả năng sẽ tăng cường quan hệ với các đồng minh dưới thời chính quyền Biden.