1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Trump có nói đùa khi muốn kiểm soát kênh đào Panama và sáp nhập Canada?

Ngô Hoàng

(Dân trí) - Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã thẳng thắn nêu vấn đề mua Greenland, đưa Canada thành bang thứ 51 của Mỹ và giành lại kiểm soát đối với kênh đào Panama.

Ông Trump có nói đùa khi muốn kiểm soát kênh đào Panama và sáp nhập Canada? - 1

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump (Ảnh: Reuters).

Thời gian gần đây, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhiều lần nói đến việc mua lại đảo Greenland của Đan Mạch, biến Canada thành bang thứ 51 của Mỹ, giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama và đổi tên "Vịnh Mexico" thành "Vịnh Mỹ", hay sẽ áp đặt các biểu thuế mới với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada…

Đặc biệt, tại cuộc họp báo ngày 7/1 ở Mar-a-Lago, Florida, khi được hỏi liệu ông có thể đảm bảo sẽ không dùng sức ép quân sự hay kinh tế để giành lại đảo Greenland và kiểm soát kênh đào Panama hay không, ông Trump đã không hề úp mở: "Không, tôi không thể đảm bảo với các bạn về bất kỳ điều nào trong 2 điều đó. Song, tôi có thể tuyên bố rằng chúng tôi cần những thực thể đó vì an ninh kinh tế". Không chỉ vậy, ngay trước sự kiện trên, con trai cả của ông là Donald Trump Jr. đã đích thân đến thăm Greenland và mô tả chuyến đi là "khá vui vẻ".

Tầm quan trọng của Greenland, Canada và kênh đào Panama

Thứ nhất là Greenland, một hòn đảo lớn nhất thế giới ở cực Bắc trái đất nằm giữa Bắc Mỹ và Bắc Âu hiện do Đan Mạch quản lý; rất giàu tài nguyên khoáng sản quý hiếm như dầu mỏ, khí đốt và đặc biệt là đất hiếm rất cần cho nền kinh tế Mỹ. Từ 1951, Washington lập căn cứ không gian Pituffik ở phía Tây Bắc Greenland, nằm giữa đường nối Moscow với New York và là tiền đồn cực Bắc của lực lượng vũ trang Mỹ và có trang bị hệ thống cảnh báo tên lửa.

Theo ông Ulrik Pram Gad, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, với vị trí chiến lược ở Bắc Cực, từ lâu Greenland đã được coi là chìa khóa cho an ninh Mỹ vì có vai trò đặc biệt quan trọng trong đối phó với các cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga. Đặc biệt, trước tình hình nhiệt độ toàn cầu lên cao khiến độ tan chảy băng ở Bắc Cực ngày càng nhanh, Greenland càng trở nên quan trọng về mặt chiến lược đối với Mỹ, nhất là khi Nga đang đẩy nhanh việc khai thác khu vực Bắc Cực và việc băng tan sẽ giúp mở thêm các tuyến vận chuyển hàng hóa qua Greenland (theo Hội đồng Bắc Cực thì vận chuyển hàng hóa qua Bắc Cực đã tăng 37% trong thập niên tính tới năm 2024).

Còn theo giáo sư Klaus Dodds thuộc Đại học London, các mỏ tài nguyên thiên nhiên phong phú của Greenland mới là điều hấp dẫn ông Trump hơn cả. Thực tế là theo một cuộc khảo sát tiến hành năm 2023, ngoài dầu mỏ và khí tự nhiên, hòn đảo này còn có 25 trong tổng số 34 loại khoáng sản quý hiếm rất thiết yếu đối với công nghiệp bán dẫn như than chì, lithium, niken, coban và đất hiếm.

Thực ra dù trong nhiệm kỳ đầu tiên đã nêu ra nhưng ông Trump cũng không phải tổng thống Mỹ đầu tiên đưa ra ý tưởng mua Greenland. Từ năm 1867, khi mua Alaska, Tổng thống Andrew Johnson cũng đã cân nhắc mua Greenland và vào cuối Thế chiến II, chính quyền Tổng thống Truman đề nghị trả cho Đan Mạch 100 triệu USD để mua hòn đảo này. Tuy nhiên, tất cả những ý định đó đều không thành.

Thứ hai là Canada, quốc gia láng đồng minh láng giềng phía Bắc rất quan trọng của Mỹ với vùng "Ngũ Đại Hồ", khu vực xuyên Canada và Mỹ kéo dài từ miền Tây New York và Pennsylvania của Mỹ ở phía Đông đến miền Nam Ontario của Canada ở phía Tây, là khu vực đông dân nhất Tây bán cầu và cũng là một trong những nơi tạo ra tài sản lớn nhất của thế giới, với tốc độ vận chuyển hàng hóa qua lại qua biên giới Canada - Mỹ luôn ở mức rất cao.

Hiện tại ngoài việc xuất điện sang Mỹ, Canada đang là nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất của Mỹ với 4,6 triệu thùng/ngày. Ngoài ra, uranium của Canada là nguồn nhiên liệu chủ chốt cho các nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ, còn kali Canada chính là nguyên liệu sản xuất phân bón chủ lực cho các trang trại của Mỹ. Vì thế, việc sáp nhập Canada có thể đem lại cho Mỹ những lợi ích quan trọng về mặt kinh tế và giúp giảm thâm hụt thương mại mà ông Trump gọi là "khoản trợ cấp" cho Canada (200 tỷ USD mỗi năm).

Thứ ba là kênh đào Panama do Pháp bắt đầu xây dựng vào năm 1881, nhưng về sau gặp nhiều khó khăn nên năm 1904 Mỹ đã tiếp quản toàn bộ, hoàn thành vào năm 1914 và giành quyền kiểm soát từ đó đến năm 1999 thì bàn giao lại cho Panama theo Hiệp định Carter - Torrijos ký tại Washington năm 1977.

Thực tế là khi Tổng thống Carter ký Hiệp định trên đã gặp phải sự phản đối của nhiều nghị sỹ Mỹ bởi họ không muốn mất đi một biểu tượng quyền lực và sức mạnh khoa học công nghệ của Mỹ như chính Tổng thống Theodore Roosevelt từng tuyên bố đó là "một kỳ tích mà người dân nền Cộng hòa này sẽ nhìn lại với niềm tự hào cao nhất". Nay, khi kênh đào Panama trở thành cửa ngõ chiến lược của ngành vận tải đường biển quốc tế, một "con gà đẻ trứng vàng" với doanh thu là 4986 tỷ USD trong năm tài chính 2024 (theo thông báo của Cơ quan quản lý kênh đào Panama), đóng góp cho Panama khoảng 10% GDP, nhiều người Mỹ hẳn cảm thấy tiếc nuối vì đã chuyển giao cho Panama kênh đào này.

Phản ứng của các nước liên quan

Có thể nói, ngay từ khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nêu vấn đề mua Greenland, đưa Canada thành bang thứ 51 của Mỹ và giành lại kiểm soát đối với kênh đào Panama, tất cả các nước liên quan trực tiếp đã nhanh chóng lên tiếng phản đối.

Trước hết là về Greenland, ông Muste Egede, thủ lĩnh của hòn đảo này đã nói: "Chúng tôi không phải để bán và sẽ không bao giờ để bán". Còn Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen khẳng định: "Chỉ có người dân tại lãnh thổ tự trị Greenland mới có thể quyết định tương lai của họ". Về phía Canada, Thủ tướng Justin Trudeau cũng nói rõ "không bao giờ có chuyện Canada trở thành một phần của Mỹ" và lập luận rằng "người dân ở cả hai quốc gia đều được lợi khi là đối tác thương mại và an ninh lớn nhất của nhau"; còn theo khảo sát vào tháng 12/2024 của công ty nghiên cứu thị trường Leger, chỉ 13% trong số 1.520 người Canada tham gia trả lời là có mong muốn nước này trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ, trong khi 82% phản đối đề xuất này.

Trong khi đó, Chính phủ Panama cũng tuyên bố "chủ quyền của kênh đào là không thể thương lượng"; còn theo Bộ trưởng Ngoại giao Javier Martinez-Acha, "chủ quyền công trình này là một phần trong lịch sử đấu tranh của Panama". Ngoài ra, Tổng thống Honduras Xiomara Castro cũng đã dọa sẽ đóng cửa một căn cứ không quân Mỹ tại nước này nếu ông Trump trục xuất người Honduras như đã hứa trong chiến dịch tranh cử.

Không chỉ vậy, khi Washington tập trung vào Ukraine, Trung Đông và Đông Á, các nước Trung Mỹ nhích lại gần Trung Quốc về mặt kinh tế và biến Bắc Kinh thành đối tác thương mại lớn nhất của mình. Đặc biệt, tháng 11/2024, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khánh thành một cảng mới trị giá 1,3 tỷ USD tại Peru do Trung Quốc tài trợ.

Đáng chú ý, khi ông Trump tuyên bố không loại trừ việc dùng vũ lực để kiểm soát đảo Greenland và kênh đào Panama, Ủy ban châu Âu nói chung cũng như các nước đồng minh lớn của Mỹ ở châu Âu và chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã đồng loạt lên tiếng phản đối, trong đó Ủy ban châu Âu tuyên bố khẳng định "chủ quyền của các quốc gia cần được tôn trọng và đây cũng là giá trị ngoại giao và nguyên tắc cốt lõi mà Ủy ban châu Âu đang hướng tới". Thậm chí, ông còn nêu rõ: "Điều khoản về Phòng thủ chung theo Hiệp ước Lisbon cũng sẽ được áp dụng đối với Greenland trong trường hợp xảy ra các động thái quân sự".

Ngày 8/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố: "Nguyên tắc bất khả xâm phạm biên giới áp dụng cho mọi quốc gia, bất kể quốc gia đó hùng mạnh đến mức nào". Sau đó, ông đã viết trên mạng xã hội X: "Biên giới không được thay đổi bằng vũ lực. Nguyên tắc này áp dụng cho mọi quốc gia, dù ở phương Đông hay phương Tây". Còn Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Jean-Noel Barrot cũng cho rằng "Greenland là lãnh thổ châu Âu và không có chuyện EU để các quốc gia khác trên thế giới, bất kể họ là ai... tấn công biên giới có chủ quyền của mình".

Với chính quyền của đảng Dân chủ ở Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken ngày 8/1 đã phải lên tiếng trấn an khi cho rằng "ý tưởng của Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc kiểm soát Greenland là không tốt và sẽ không bao giờ thực sự xảy ra, vì vậy không nên lãng phí thời gian để nói về vấn đề đó".

Ý đồ sâu xa của ông Trump và triển vọng sắp tới

Trong bài viết trên tạp chí Foreign Policy của Mỹ số ra mới đây, ông Howard W. French, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Columbia, đã viết: "Một trong những điều Tổng thống đắc cử Trump cần nhận ra khi trở lại Nhà Trắng là tầm nhìn của ông về sự thống trị hoàn toàn của Mỹ ở Tây bán cầu đã hết sức lỗi thời". Không chỉ vậy, ông French còn cho rằng Tổng thống đắc cử Trump "đã không nhận ra rằng thịnh vượng của Mỹ cũng chính là thịnh vượng của hai nước láng giềng Canada, Mexico và rằng các cặp kinh tế Mỹ - Canada cũng như Mỹ - Mexico thuộc loại bổ trợ nhau cao nhất thế giới".

Rõ ràng là ông Trump đã không nói đùa khi nêu những mục tiêu đầy tranh cãi như trên cũng như liên tục đe dọa áp những biểu thuế mới với nhiều nước khác nhau suốt thời gian qua, nhưng lại rất phù hợp với mục tiêu "MAGA - Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" của mình. Lợi ích về kinh tế và an ninh từ những dự định thâu tóm lãnh thổ nước/lãnh thổ cận như trên là rất rõ ràng và khổng lồ, nhưng ông Trump cũng đủ khôn ngoan để hiểu là sẽ khó khăn như thế nào khi sẽ phải đương đầu với hàng loạt nước đồng minh, láng giềng gần gũi như vậy.

Thời gian mới cho thấy rõ ý đồ sâu xa của ông Trump trong những vấn đề trên, nhưng dù là thế nào thì việc nêu ra những điều đầy tranh cãi và gây "sốc" đó đã khiến các nước liên quan lo lắng cao độ và gây ra sóng gió không nhỏ trong quan hệ của Mỹ với các đồng minh và láng giềng của mình ngay khi ông Trump chưa nhậm chức. 

Do vậy, với tư duy thực dụng nhất quán của một "doanh nhân luôn thích mạo hiểm", nhiều khả năng trong những việc trên ông Trump cũng chủ yếu nhằm gây áp lực tối đa để tạo càng nhiều dư địa cho đàm phán càng tốt nhằm buộc đối phương phải nhượng bộ ở mức độ cao nhất có thể. Thực tế là tất cả các bên liên quan, Ủy ban châu Âu và các nước thành viên chủ chốt tuy phản đối mạnh mẽ ông Trump về việc này, nhưng tất cả đều bày tỏ sẵn sàng đối thoại, đàm phán với chính quyền Trump 2.0 để giải quyết mọi vấn đề trong quan hệ song phương nhằm duy trì và tiếp tục phát triển mối quan hệ nhiều mặt và cùng có lợi giữa hai bên.

Như chính cựu Đại sứ Mỹ tại Canada Gordon Giffin đã nhận định: "Việc ông Trump hùng hồn tuyên bố về nước láng giềng phía Bắc chỉ là một chiến lược đàm phán nhằm tăng tính cấp bách cho những bất mãn về kinh tế bấy lâu nay của Tổng thống đắc cử". Hy vọng rằng những tuyên bố của Tổng thống đắc cử Trump về Greenland, Canada, Panama, Mexico... dù được lặp đi lặp lại nhiều lần thời gian qua và bị tất cả các nước liên quan phản đối mạnh mẽ nhiều khả năng sẽ khó có thể dẫn đến chiến tranh dưới bất kỳ hình thức nào bởi cái giá phải trả đối với tất cả các bên là quá lớn. Tất cả đều bị tổn thương và không có lợi cho sự nghiệp MAGA mà ông Trump ở nhiệm kỳ 2 vẫn đang hướng tới.