Ông Tập Cận Bình và chặng đường phía trước
(Dân trí) - Sau kỳ Đại hội Đảng chuyển giao thế hệ lãnh đạo lịch sử 10 năm một lần tại Trung Quốc, dư luận rất quan tâm tới việc tân Tổng bí thư Tập Cận Bình sẽ làm gì cho đất nước 1,4 tỷ dân và có khả năng trở thành cường quốc hàng đầu thế giới.
Tân Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.
Lên nắm quyền trong bối cảnh hiện nay, tân Tổng bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Nạn tham nhũng, sự phân hóa giàu nghèo và các vấn đề xã hội nan giải đòi hỏi nhà lãnh đạo mới phải mạnh tay cải cách, cải cách cả về kinh tế, chính trị và xã hội.
Về kinh tế, ngay từ Đại hội Đảng lần thứ 16 cách đây đúng 10 năm, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khẳng định: “20 năm đầu thế kỷ 21 là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng để Trung Quốc phát triển”. Đây là đánh giá mang tính lịch sử và đã được cụ thể hóa bằng những hành động cụ thể trong suốt thời gian qua.
Trong một phát biểu đáng chú ý trước thềm Đại hội 18, ông Tập Cận Bình khẳng định 3 ưu tiên của Trung Quốc hiện nay là: ổn định trong chính sách đối nội, tiến bộ trong phát triển kinh tế - xã hội và hài hòa trong chính sách đối ngoại.
Trong 10 năm, sự phát triển của Trung Quốc đã khiến cả thế giới có ấn tượng sâu sắc. GDP tăng trưởng bình quân trên 8%/năm, lần lượt vượt qua Pháp, Anh, Đức, Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đặc biệt, khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nối tiếp nhau nổ ra khủng hoảng kinh tế và lan rộng ra toàn cầu, kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khả quan và được các chuyên gia coi là “cỗ máy ổn định kinh tế của thế giới” hay “động cơ mới cho phục hồi kinh tế toàn cầu”.
Nhưng bên cạnh những thành công ấy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận ra rằng nước này không thể mãi chỉ bằng lòng với việc là “công xưởng của thế giới” và phụ thuộc phần lớn vào hoạt động xuất khẩu.
Vì vậy, trong nhiệm kỳ lãnh đạo của mình, ông Tập Cận Bình sẽ phải chú trọng cải cách hình mẫu kinh tế theo hướng ít phụ thuộc hơn vào bên ngoài và coi trọng khai thác tiềm lực tiêu thụ khổng lồ của thị trường trong nước với gần 1,4 tỷ dân. Hướng nền kinh tế vào nội địa, đảm bảo tăng trưởng bền vững song hành với bảo vệ môi trường và duy trì tăng trưởng cao (7%) nhưng không quá nóng sẽ là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với tân Chủ tịch Trung Quốc.
Về xã hội, trong 10 năm qua, mỗi bước tiến lên của Trung Quốc đều ảnh hưởng và thay đổi sâu sắc đến cục diện kinh tế, chính trị thế giới. Sự phát triển kinh tế thần tốc của Trung Quốc một mặt mang lại nhiều thuận lợi và thời cơ cho đất nước, góp phần thúc đẩy xã hội; nhưng mặt khác cũng tạo ra nhiều khó khăn, thách thức. Môi trường phát triển xã hội Trung Quốc đã xuất hiện những thay đổi mới, đặc trưng mới.
Chính sách đối nội của ông Tập Cận Bình: Thúc đẩy phát triển theo phương thức khoa học, hài hòa và hợp tác.
Vì vậy, trong 5-10 năm tới, quan niệm “hài hòa” của Trung Quốc sẽ chịu thách thức lâu dài cả trong và ngoài nước. Các mâu thuẫn trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế - xã hội sẽ ngày càng nổi cộm. Mức độ khó khăn trong thực hiện xã hội hài hòa sẽ không ngừng tăng lên.
Sự thành bại của phát triển kinh tế sẽ đưa Trung Quốc bước vào thời kỳ mâu thuẫn xã hội nổi cộm. Vấn đề dân sinh ngày càng phức tạp. Các đòi hỏi, kỳ vọng về một xã hội công bằng, dân chủ, bảo vệ môi trường sinh thái sẽ tăng lên. Khi ấy đi sâu cải cách sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc, khiến các nhà lãnh đạo không thể né tránh. Vì vậy, trong 10 năm tới, quá trình phát triển xã hội của Trung Quốc nhất định sẽ không bằng phẳng.
Theo quy hoạch trước đây của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, 10 năm tới sẽ là thời kỳ then chốt xây dựng toàn diện xã hội khá giả với những mục tiêu to lớn, nhiệm vụ nặng nề. Trong đó đến năm 2015 phải hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 12, hoàn thành Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của LHQ về hạ thấp mức nghèo khổ toàn cầu. Đến năm 2020 thực hiện xã hội khá giả toàn diện, đặt cơ sở mang tính then chốt thực hiện hiện đại hóa Trung Quốc vào giữa thế kỷ 21.
Để làm được điều đó, ban lãnh đạo mới của Trung Quốc phải nhìn nhận đúng thực tế, chủ động đối phó với thách thức và tích cực lựa chọn nắm bắt thời cơ. Bởi chỉ khi nào nắm chắc cơ hội phát triển, Trung Quốc mới có cơ hội giải quyết các vấn đề khó khăn nội tại trên con đường xây dựng xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020.
Về chính trị, trong 10 năm qua, cải cách chính trị ở Trung Quốc đã đi vào tầng sâu khi chính phủ nước này đứng trước những đòi hỏi ngày càng cao hơn về hiệu quả hoạt động cũng như sự thúc ép phải thay đổi thể chế chính trị để đáp ứng nhu cầu tăng lên về chất lượng cuộc sống.
Những cải cách này không đơn giản chỉ là vấn đề nhân sinh hay phát triển kinh tế, mà còn bao hàm yếu tố dân chủ, minh bạch trong hoạt động của Đảng, trong tiến trình thành lập chính phủ, ra quyết sách và thực thi quyết sách. Tăng cường tiếng nói và sự tham gia của người dân vào quá trình ra quyết sách, đẩy mạnh phân quyền các cấp nhằm xây dựng chính phủ trung ương tinh gọn và chính quyền địa phương hiệu quả là những định hướng cải cách được Trung Quốc không ngừng đẩy mạnh trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, do đặc thù cải cách trong từng giai đoạn nên trong 10 năm qua, tiến trình cải cách mới được thực hiện theo kiểu “trận chiến ngoại vi”, có nghĩa chọn dễ trước, khó sau, đơn giản trước, phức tạp sau.
Thông thường khi kinh tế phát triển đến một giai đoạn nào đó, nhu cầu về dân sinh và cải cách thể chế, chính trị cũng sẽ thay đổi theo, đặc biệt khi các vấn nạn xã hội như tiêu cực, tham nhũng đang làm suy giảm lòng tin trong dân chúng và suy yếu hoạt động của bộ máy cầm quyền.
Trong bối cảnh ấy, chính quyền của tân Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ phải đẩy mạnh cải cách theo chiều sâu theo hướng chú trọng quy phạm, kiềm chế quyền lực, củng cố pháp trị (thay vì nhân trị), thay đổi phương thức tổ chức xã hội, chuyển biến phương thức phát triển kinh tế và tăng cường dân chủ trong đảng.
Nếu làm tốt được những điều này, Trung Quốc không chỉ củng cố vững chắc sức mạnh tổng thể từ bên trong, mà còn thu hút được các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho thời kỳ then chốt cải cách mở cửa đi vào chiều sâu và xây dựng toàn diện xã hội khá giả vào năm 2020 như văn kiện của Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa nêu.
Việt Giang