1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đôi nét về tân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc

(Dân trí) - Ngày 15/11, khi bước chân vào Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đã là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, vị trí được đánh giá là quan trọng nhất tại đất nước đông dân nhất thế giới và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

 

Đôi nét về tân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc

Ông Tập Cận Bình (đi đầu) và các thành viên Thường vụ Bộ chính trị ra mắt báo chí vào sáng nay 15/11.

 

Với cha là nhà cách mạng lão thành và vợ là một ca sỹ quân đội, ngôi sao nhạc pop, lý lịch chính trị của ông Tập Cận Bình, 59 tuổi, được cho là hoàn hảo. Ông được dự kiến sẽ trở thành chủ tịch tiếp theo của Trung Quốc vào tháng 3 tới và nắm giữ các vị trí quan trọng này trong vòng 1 thập niên tới.

 

Con đường chính trị

 

Sinh ra tại Bắc Kinh năm 1953, ông Tập Cận Bình là con trai của ông Tập Trọng Huân, người gốc Thiểm Tây, và là một trong những người đầu tiên sáng lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cha của ông đã chiến đấu bên cạnh Mao Trạch Đông và làm phó thủ tướng cho đến khi bị bỏ tù vào năm 1962 trước Cách mạng Văn hóa, nhưng sau đó được phục chức dưới thời của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.
 
Ông Tập Cận Bình có bằng cử nhân Chính trị, kỹ sư hóa chất, Thạc sĩ, Tiến sĩ Luật.
 

Vợ ông là bà Bành Lệ Viên, ngôi sao ca nhạc, giữ hàm tướng trong quân đội và thường xuyên xuất hiện trong chương trình gala đón năm mới được phát trực tiếp trên đài truyền hình, được hàng trăm triệu người dõi theo. Họ có cô con gái Tập Minh Trạch, được biết đang theo học đại học Harvard, Mỹ.

 

Đôi nét về tân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc
Bà Bành Lệ Viện- phu nhân của ông Tập Cận Bình là một ca sỹ nổi tiếng và giữ hàm tướng trong quân đội Trung Quốc.
Năm 15 tuổi ông Tập Cận Bình được gửi về vùng nông thôn 7 năm, giống như nhiều “thanh niên trí thức” khác vào thời đó. Một quan chức làng Liangjiahe, nơi ông Tập Cận Bình đã về sống, nhận xét ông là người “rất chân thực và chất phác”, giống như bao người làng khác tại đó, nên “mọi người đều rất yêu quý ông”.

 

Bản thân ông Tập cũng thừa nhận thời gian sống và làm việc cùng những người dân làng khi đó là quãng thời gian ông tích lũy được nhiều kinh nghiệm.

 

Sau đó, ông vào học ngành kỹ sư hóa tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cái nôi đào tạo nhiều nhà lãnh đạo cấp cao hàng đầu Trung Quốc, trong đó có Chủ tịch Hồ Cẩm Đào hiện nay.

 

Theo nguồn tin của hãng thông tấn AP, ông Tập Cận Bình từng ít nhất 9 lần ứng cử vào Đảng Cộng sản song đã không được chấp nhận do các vấn đề liên quan đến cha ông khi đó.

 

Ông được vào đảng năm 1974 và lên dần trong hệ thống chính trị ở địa phương, từng giữ các chức vụ: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Phúc Kiến; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Chiết Giang. Năm 2007, ông được bầu làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải khi người tiền nhiệm bị cách chức vì tham nhũng.

 

Ngay sau đó, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 15 và sau đó là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa 16,17. Tại Đại hội lần thứ 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10/2007, ông được bầu làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng thời được phân công kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương. Tháng 3/2008, ông được Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) bầu làm Phó Chủ tịch nước. Tháng 10/2010, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
 
Khi vào thường vụ Bộ Chính trị, ngoài việc được các nhà lãnh đạo kỳ cựu như cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và đương kim Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chấp nhận, quan trọng hơn, ông Tập Cận Bình đã đạt số phiếu bầu cao nhất trong nội bộ đảng, rất nhiều nhân vật lão thành có sự ủng hộ đặc biệt đối với ông.

 

Ngoài ra, ông Tập Cận Bình được đánh giá là người ủng hộ các doanh nghiệp sau khi đã có nhiều nỗ lực thu hút đầu tư vào Phúc Kiến và Chiết Giang.

 

Tính cách và sở thích

 

Đôi nét về tân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc
Ông Tập Cận Bình kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào, làm Tổng bí thư và Chủ tịch quân ủy trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình cũng nổi tiếng là một người nói thẳng. Năm 2009, tại Mexico ông đã thẳng thừng đáp về những lo ngại trước sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc. “Một số người nước ngoài với cái bụng lớn và không có gì tốt đẹp luôn thích chỉ trích chúng tôi”, ông cho hay.

 

Một số bình luận khác của ông cũng khiến nhiều người cho rằng ông là một người ăn nói cứng rắn. Và một số nhà phân tích còn cho rằng ông sẽ cứng rắn hơn sau khi đảm nhiệm vị trí cấp cao nhất tại Trung Quốc.

 

Tạp chí Foreign Policy của Mỹ thì cho rằng ông là người cương quyết trong vấn đề bài trừ tham nhũng.

“Ấn tượng chung về Tập Cận Bình là, ông là một người rất thận trọng”, Cao Trí Khai, một nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh nói. Có phân tích cho rằng, nếu ồng Tập Cận Bình kế thừa khí phách chính trị và tinh thần cải cách của cha mình, ông có thể sẽ ủng hộ, thậm chí thúc đẩy cải cách tại Trung Quốc. Còn trả lời phỏng vấn kênh NHK của Nhật Bản, Giáo sư Satoshi Amako, Khoa Nghiên cứu Trung Quốc Hiện đại của Trường Đại học Waseda (Nhật Bản) từng nhận định ông Tập Cận Bình là một nhà lãnh đạo có tiềm năng và nền tảng, đủ để thiết lập quan hệ tốt với Nhật Bản.

Song với nhiều người ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình không nổi tiếng bằng vợ ông, ca sỹ Bành Lệ Viện. Bà Bành Lệ Viện từng nhận xét chồng là người tiết kiệm, làm việc chăm chỉ và thực tế. “Khi ông ấy trở về nhà, tôi không bao giờ cảm thấy có vị lãnh đạo trong nhà tôi. Trong mắt tôi, ông ấy là chồng tôi”, bà Bành từng cho biết.

 

Có rất ít thông tin về sở thích của ông, ngoài việc ông thích bóng rổ và theo các bức điện tín ngoại giao Mỹ bị rò rỉ trên trang WikiLeaks, ông thích các bộ phim chiến tranh của Hollywood.

 

Điều này có thể bắt nguồn từ thời gian ngắn ông ở Mỹ khi còn trẻ. Năm 1985, ông Tập đã ở cùng với một gia đình ở thị trấn nhỏ Muscatine tại Iowa, khi nghiên cứu về một số kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến.

 

Trong chuyến công du Mỹ hồi tháng 2, ông đã trở lại thăm thị trấn Muscatine. Theo một người dân ở đây, ông “nghiêm nghị nhưng không hoàn toàn xa cách”. “Ông ấy mỉm cười với tất cả mọi người và đã nhớ từng sự kiện liên quan với từng người bạn cũ.”

 

Cũng trong chuyến công du này, ông Tập Cận Bình kêu gọi “sự tin cậy chiến lược”sâu sắc hơn nữa giữa Trung Quốc và Mỹ. Ông cũng gọi mối quan hệ Mỹ-Trung “là dòng sông không nghỉ, luôn tiến về phía trước”, nhấn mạnh một Trung Quốc thịnh vượng là động lực tích cực cho hòa bình toàn cầu.
 

 

Vũ Quý

Theo AFP, BBC