Ông Putin nói Nga thành lập lực lượng sẵn sàng hỗ trợ tổng thống Belarus
(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga sẵn sàng hỗ trợ quân sự hoặc lực lượng an ninh cho Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, nhưng tình hình hiện tại chưa cần thiết.
“Chúng tôi đương nhiên sẽ có những nghĩa vụ nhất định với Belarus, và vấn đề ông Lukashenko đặt ra là liệu chúng tôi có cung cấp sự hỗ trợ cần thiết hay không”, Tổng thống Putin phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước hôm 27/8.
“Tôi nói với ông ấy rằng Nga sẽ thực hiện tất cả nghĩa vụ của mình. Ông Lukashenko đã đề nghị tôi thành lập lực lượng cảnh sát dự bị và tôi đã làm vậy. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đồng ý rằng lực lượng đó sẽ không được triển khai trừ khi tình hình vượt tầm kiểm soát”, ông Putin cho biết.
Trước đó, Điện Kremlin ngày 16/8 cho biết Tổng thống Putin đã nói với người đồng cấp Belarus rằng Moscow sẵn sàng trợ giúp Belarus theo một hiệp ước quốc phòng tập thể nếu cần thiết.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra tại Belarus sau khi ông Lukashenko, 65 tuổi, tuyên bố tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống. Nhiều người đã bị bắt trong các cuộc biểu tình.
Phe đối lập cho rằng cuộc bầu cử bị gian lận, tuy nhiên ông Lukashenko bác bỏ cáo buộc này và viện dẫn các kết quả bầu cử chính thức cho thấy ông đã giành hơn 80% phiếu bầu.
Tổng thống Putin hôm qua không nêu cụ thể số lượng người tham gia lực lượng hỗ trợ Belarus và họ thuộc các cơ quan thực thi pháp luật nào. Cho đến nay, Tổng thống Lukashenko vẫn đang triển khai cảnh sát chống bạo động, binh sĩ nội vụ và các đơn vị đặc nhiệm để đối phó với làn sóng biểu tình.
Tổng thống Lukashenko từng công khai đề nghị với Tổng thống Putin về khả năng quân đội Nga can thiệp vào tình hình Belarus. Tổng thống Lukashenko cho rằng các cuộc biểu tình phản đối ông gần đây là một phần trong “mưu đồ” của NATO nhằm thâu tóm Belarus.
Tổng thống Lukashenko ngày 27/8 cáo buộc các nước làng giềng đang bắt đầu "cuộc chiến tranh hỗn hợp" chống lại Belarus, đồng thời tuyên bố Ba Lan có kế hoạch tiếp quản một phần lãnh thổ Belarus. Tuần trước, ông Lukashenko đặt quân đội vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu tại khu vực biên giới phía tây.
Nga và Belarus từng ký một thỏa thuận vào năm 1999 để thành lập nhà nước liên bang Nga và Belarus. Tuy nhiên, dự án này chưa từng được thực thi đầy đủ, và gần đây ông Lukashenko đã từ chối kêu gọi của Nga về việc thúc đẩy quan hệ chính trị và kinh tế gần gũi hơn.
Cho đến nay, Điện Kremlin vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức, tuy nhiên ông Putin cho biết Nga, trên lý thuyết vẫn đang là một phần trong nhà nước liên bang với Belarus, sẽ "thực hiện tất cả nghĩa vụ của mình" nếu tình hình thay đổi.
"Không cần phải giữ bí mật. Có những điều khoản liên quan nói rằng tất cả quốc gia thành viên của các tổ chức, bao gồm nhà nước liên bang, nên hỗ trợ nhau trong việc bảo vệ chủ quyền, biên giới bên ngoài và sự ổn định", ông Putin cho biết.
Vào tối 26/8, một máy bay chở các quan chức hàng đầu của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã hạ cánh xuống Minsk, Belarus lần thứ hai trong tuần. Tuy nhiên, Điện Kremlin cho biết không có thông tin ai ngồi trên máy bay và hình thức tham vấn là gì.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã nhanh chóng phản hồi phát biểu của Tổng thống Putin.
“Chính quyền Ba Lan kêu gọi Nga ngay lập tức rút lại kế hoạch can thiệp quân sự vào Belarus với lý do “khôi phục sự kiểm soát” - một hành động thù địch, vi phạm luật quốc tế và quyền của người dân Belarus, những người nên được tự do quyết định số phận của họ”, ông Morawiecki viết trên Twitter.
Tổng thống Lukashenko ngày 27/8 cho biết ông sẵn sàng đối thoại với người lao động, sinh viên và nông dân Belaurs, nhưng không có lãnh đạo của các cuộc biểu tình. Trong khi đó, giới chức Nga cáo buộc phương Tây tìm cách “can thiệp” vào Belarus bằng cách hỗ trợ cho phe đối lập.