Ông Putin nói không chạy đua vũ trang khi dừng hiệp ước hạt nhân với Mỹ
(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin khẳng định Nga không tìm kiếm một cuộc chạy đua vũ trang sau khi ký ban hành luật đình chỉ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Corriere della Sera của Italy ngày 4/7, Tổng thống Putin đã chỉ ra sự khác biệt lớn giữa ngân sách quốc phòng của Nga và Mỹ để bác bỏ quan điểm cho rằng Moscow muốn tham gia một cuộc chạy đua vũ trang với Washington.
“Hãy so sánh xem Nga chi bao nhiêu tiền cho quốc phòng, khoảng 48 tỷ USD. Còn Mỹ chi bao nhiêu, khoảng 700 tỷ USD. Chạy đua vũ trang ở đâu? Chúng tôi sẽ không để cho chính mình bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua, nhưng chúng tôi vẫn phải đảm bảo an ninh của chúng tôi”, Tổng thống Putin nói.
Tổng thống Putin đưa ra tuyên bố trên sau khi ông ký ban hành luật đình chỉ Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Mỹ hôm 3/7. Trước đó hồi tháng 2, ông Putin cũng đã thông báo Nga sẽ dừng hiệp ước này sau khi Mỹ rút khỏi INF.
Theo Tổng thống Putin, việc đạt được một thỏa thuận cắt giảm vũ khí toàn diện là điều Moscow đang hướng tới, tuy nhiên Washington dường như chưa sẵn sàng cho điều này.
“Việc đạt được các thỏa thuận cụ thể trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí sẽ giúp tăng cường sự ổn định quốc tế. Nga đã có ý chí chính trị để xúc tiến việc này. Bây giờ bóng đang ở sân của Mỹ. Tôi đã thảo luận điều này với Tổng thống Trump trong cuộc gặp gần đây của chúng tôi bên lề hội nghị G20 ở Nhật Bản”, ông Putin cho biết.
Tổng thống Putin nói rằng Nga vẫn chưa nhận được phản hồi từ chính quyền Trump sau khi Moscow đề xuất ký một tuyên bố chung về việc loại bỏ chiến tranh hạt nhân hồi tháng 10, thời điểm Tổng thống Trump thông báo quyết định đơn phương rút Mỹ khỏi hiệp ước INF.
“Chúng tôi đã liên tục đề nghị Mỹ làm rõ những câu hỏi liên quan tới hiệp ước INF, nhưng chúng tôi luôn phải đối mặt với sự từ chối”, ông Putin nói.
Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung được Nga và Mỹ ký năm 1987, trong đó cấm hai nước phát triển mọi loại tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500 - 5.500 km.
Mỹ muốn rút khỏi INF sau khi cáo buộc Nga phát triển tên lửa vi phạm hiệp ước vì có tầm bắn hơn 5.000 km. Moscow đã bác bỏ cáo buộc này, thậm chí cho rằng Washington viện lý do để rút khỏi INF và “rảnh tay” phát triển tên lửa mới.
Theo RT, mặc dù Mỹ vẫn tuyên bố ủng hộ việc cắt giảm vũ khí, song chính quyền Trump vẫn mở rộng đáng kể kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của nước này và chi hàng tỷ USD cho việc xây dựng kho vũ khí. Tuần trước, ông Trump “khoe” rằng Mỹ đã phát triển “các vũ khí hạt nhân mới” mà ông “hy vọng” sẽ không bao giờ phải sử dụng chúng.
Nga không can thiệp công việc nội bộ nước khác
Trong cuộc phỏng vấn với báo Italy, Tổng thống Putin một lần nữa khẳng định Nga không bao giờ can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác.
“Chúng tôi không can thiệp và cũng không có kế hoạch can thiệp vào công việc nội bộ của các nước châu Âu cũng như các nước khác trên thế giới. Đây là sự khác biệt chính của Nga so với Mỹ và nhiều đồng minh của Mỹ, chẳng hạn sự ủng hộ (của Mỹ) đối với việc lật đổ chính quyền tại Ukraine hồi tháng 2/2014”, Tổng thống Putin cho biết.
Tổng thống Putin nhắc lại rằng, cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller để làm rõ cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ rốt cuộc đã kết thúc mà không đạt được kết quả gì, vì các nhà điều tra không thể thu thập đủ chứng cứ để chứng minh có bất kỳ sự can thiệp nào của Nga.
Thành Đạt
Theo RT