Ông Putin ký sắc lệnh đáp trả nếu Mỹ tịch thu tài sản Nga
(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23/5 đã ký sắc lệnh về các biện pháp đáp trả nếu Mỹ tịch thu tài sản của Nga.
Sắc lệnh do Điện Kremlin công bố phác thảo một cơ chế trong tương lai cho phép mọi thiệt hại do Mỹ gây ra sẽ được bù đắp bằng chính tài sản thuộc sở hữu của Mỹ hoặc các tổ chức liên quan.
Theo sắc lệnh, một thực thể Nga có thể yêu cầu tòa án Nga xác định xem tài sản của họ có bị phía Mỹ tịch thu một cách vô lý hay không và yêu cầu bồi thường. Chính phủ Nga và ngân hàng trung ương sẽ được trao quyền yêu cầu bồi thường những tổn thất đó thông qua tòa án Nga.
Sau đó, tòa án sẽ ra lệnh bồi thường bằng các tài sản của Mỹ ở Nga. Một ủy ban chính phủ sẽ chịu trách nhiệm tổng hợp danh sách những người có thể trở thành đối tượng bị tịch thu tài sản để bồi thường cho các thực thể của Nga.
Các tài sản này có thể bao gồm chứng khoán, cổ phần trong các công ty Nga, bất động sản, động sản và quyền sở hữu trí tuệ thuộc sở hữu của Mỹ.
Những người có thể bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh này gồm có công dân Mỹ hoặc những người cư trú tại Mỹ, người thực hiện hầu hết hoạt động kinh doanh hoặc tạo ra phần lớn lợi nhuận của họ ở đó.
Tháng trước, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết: "Chúng tôi không nắm giữ một lượng tài sản nhà nước đáng kể của Mỹ. Do vậy, sự đáp trả của chúng tôi không thể cân xứng. Điều này có nghĩa là chúng tôi có thể tịch thu tài sản, chẳng hạn theo lệnh của tòa án, đối với tài sản của các cá nhân thuộc thẩm quyền của Nga".
Sắc lệnh của Tổng thống Putin cho chính phủ Nga 4 tháng để chuẩn bị khung pháp lý cho cơ chế tịch thu - bồi thường này và đưa ra những đề xuất phù hợp trình quốc hội xem xét.
Động thái trên diễn ra không lâu sau khi quốc hội Mỹ thông qua các dự luật viện trợ quân sự cho Ukraine, Israel và Đài Loan. Một trong những dự luật cho phép Washington tịch thu tài sản của Nga để hỗ trợ Ukraine.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ và các đồng minh đã cấm các giao dịch với ngân hàng trung ương và bộ tài chính Nga, đồng thời phong tỏa khoảng 300 tỷ USD tài sản của Nga ở phương Tây, phần lớn tại châu Âu. Hầu hết các tài sản này là trái phiếu và tiền gửi bằng euro, USD, bảng Anh.
Các quan chức hàng đầu của Mỹ muốn tịch thu tài sản của Nga để giúp tái thiết Ukraine, trong khi một số chủ ngân hàng và quan chức châu Âu lo ngại rằng việc tịch thu tài sản sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm.
Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố bất kỳ hành động tịch thu tài sản nào đều đi ngược lại tất cả nguyên tắc của thị trường tự do mà phương Tây đặt ra và sẽ làm sụt giảm niềm tin vào đồng USD cũng như đồng euro, đồng thời cản trở đầu tư toàn cầu và làm suy yếu niềm tin vào các ngân hàng trung ương phương Tây.
Một số quan chức Moscow cho rằng nếu tài sản của Nga bị tịch thu, tài sản của các nhà đầu tư nước ngoài bị mắc kẹt trong tài khoản đặc biệt được gọi là loại "C" ở Nga có thể phải đối mặt với số phận tương tự. Hiện chưa rõ chính xác có bao nhiêu tiền trong các tài khoản này.