1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Putin ra sắc lệnh đầu tiên trong nhiệm kỳ mới

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ban hành sắc lệnh đầu tiên sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5 ngày 7/5.

Ông Putin ra sắc lệnh đầu tiên trong nhiệm kỳ mới - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin dự lễ duyệt binh sau nhậm chức ngày 7/5 (Ảnh: Reuters).

Theo hãng tin TASS, Tổng thống Nga Putin đã đặt ra hàng loạt mục tiêu ưu tiên trong sắc lệnh đầu tiên ban hành sau lễ nhậm chức ngày 7/5. Dưới đây là các mục tiêu chính được nêu trong sắc lệnh.

Sắc lệnh đặt ra 7 mục tiêu phát triển quốc gia, trong đó có: Bảo tồn dân số, tăng cường sức khỏe và cải thiện phúc lợi của người dân và hỗ trợ gia đình; Khai phá, bồi dưỡng tài năng mỗi cá nhân; Phát triển kinh tế bền vững, mạnh mẽ; Chuyển đổi kỹ thuật số.

Về phát triển kinh tế và kỹ thuật, chính phủ Nga đặt mục tiêu: Trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới; Lọt vào nhóm 10 quốc gia đứng đầu về số lượng nghiên cứu, phát triển; Giảm tỷ lệ nhập khẩu xuống còn 17% GDP; Thiết lập mạng lưới đối tác với các nước...

Về dân số, xã hội, Nga phải đạt mục tiêu tăng tuổi thọ trung bình lên 78 tuổi, tăng tỷ lệ sinh lên 1,6%, giảm tỷ lệ nghèo xuống dưới 7% vào năm 2030.

Về hạ tầng và sinh thái, Nga sẽ thực hiện các chương trình nâng cấp quy mô lớn về tiện ích công cộng, cải thiện không gian và đổi mới giao thông công cộng.

Về chuyển đổi kỹ thuật số, Nga sẽ đảm bảo an ninh thông tin trên internet và tạo ra một hệ thống để chống lại tội phạm mạng một cách hiệu quả.

Về các dự án quốc gia mới, chính phủ Nga có trách nhiệm đưa ra 10 dự án quốc gia mới trước 1/9, nội các phải trình bày kế hoạch tổng hợp thực hiện các mục tiêu phát triển quốc gia giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2036 trước ngày 31/12.

Tổng thống Putin đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5 hôm 7/5, nhiệm kỳ sẽ kéo dài 6 năm.

Cũng như những lần tuyên thệ nhậm chức khác, ông Putin đặt tay phải lên bản Hiến pháp Nga và đọc lời tuyên thệ gồm 33 từ với cam kết bảo vệ đất nước, bảo vệ quyền tự do, dân chủ của nhân dân và quyền độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, điểm khác biệt lần này chính là bản Hiến pháp Nga mới được chuẩn bị cho lễ nhậm chức với 2 sửa đổi quan trọng bao gồm việc xác nhận chấm dứt các nhiệm kỳ tổng thống trước đó của ông Putin và chính thức công nhận 4 tỉnh Ukraine sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu năm 2022.

Ngay sau lễ nhậm chức, chính phủ Nga đã từ chức để mở đường cho việc thành lập chính phủ mới. Tổng thống Putin sẽ trình quốc hội đề cử tân thủ tướng và lựa chọn các thành viên cho nội các mới.

Quy trình thành lập nội các thứ 18 của Nga thời kỳ hậu Liên Xô sẽ có một chút khác biệt so với trước kia. Cải cách hiến pháp năm 2020 trao quyền cho quốc hội phê chuẩn mọi bộ trưởng do cơ quan hành pháp đề cử, thay vì chỉ phê chuẩn thủ tướng.

Quá trình lựa chọn thành viên chính phủ mới được cho là sẽ diễn ra nhanh chóng. Hiện chưa rõ ông Putin cân nhắc ai cho vị trí thủ tướng.

Theo TASS