1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ông Kim Jong-un thị sát vụ phóng vệ tinh do thám thành công của Triều Tiên

Đức Hoàng

(Dân trí) - Triều Tiên tuyên bố phóng thành công vệ tinh do thám vào quỹ đạo, diễn biến đã bị Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản chỉ trích, giữa lúc căng thẳng ở khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Ông Kim Jong-un thị sát vụ phóng vệ tinh do thám thành công của Triều Tiên - 1

Triều Tiên tuyên bố phóng thành công vệ tinh vào quỹ đạo (Ảnh: KCNA).

Triều Tiên hôm 22/11 cho biết họ đã thành công trong việc đưa một vệ tinh do thám quân sự lên quỹ đạo sau 2 lần thất bại trước đó.

"Một tên lửa mang vệ tinh đã xuất phát ngày 21/11 từ tỉnh Bắc Phyongan, bay dọc theo lộ trình được chỉ định và đưa chính xác vệ tinh trinh sát Malligyong-1 vào quỹ đạo", hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA đưa tin.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã có mặt để thị sát vụ phóng và chúc mừng các nhà khoa học và kỹ thuật viên thực hiện sứ mệnh này.

Mỹ nhanh chóng cáo buộc vụ phóng tên lửa là vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc và cho rằng nó có thể gây bất ổn cho khu vực.

Hãng tin Yonhap đưa tin Hàn Quốc đã phản ứng bằng cách cho biết sẽ nối lại các hoạt động giám sát dọc biên giới với Triều Tiên vốn đã bị đình chỉ vào năm 2018 như một phần của thỏa thuận mà Seoul - Bình Nhưỡng ký nhằm giảm căng thẳng quân sự.

Ông Kim Jong-un thị sát vụ phóng vệ tinh do thám thành công của Triều Tiên - 2

Ông Kim Jong-un thị sát vụ phóng vệ tinh (Ảnh: KNCA).

Những nỗ lực trước đây của Triều Tiên nhằm đưa vệ tinh do thám vào quỹ đạo vào tháng 5 và tháng 8 đều thất bại. Seoul, Tokyo và Washington đã nhiều lần cảnh báo Bình Nhưỡng không tiến hành vụ phóng tên lửa khác vì điều này sẽ vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc.

Tên lửa phóng vệ tinh và tên lửa đạn đạo có một số điểm tương đồng về mặt kỹ thuật nhưng nghị quyết Liên hợp quốc đã cấm Triều Tiên không sử dụng công nghệ đạn đạo.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết: "Ngay cả khi họ gọi nó là vệ tinh, việc phóng một vật thể sử dụng công nghệ đạn đạo rõ ràng là vi phạm các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc".

Cơ quan tình báo Hàn Quốc trong tháng này nghi ngờ Bình Nhưỡng dường như đã nhận được lời khuyên kỹ thuật từ Nga, đổi lại việc gửi ít nhất 10 chuyến hàng vũ khí cho Moscow. Nga nhiều lần bác tin nhận vũ khí của Triều Tiên cho cuộc chiến ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 9 đã đề xuất sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un rằng Moscow có thể giúp Bình Nhưỡng chế tạo vệ tinh.

KCNA cho biết "việc phóng vệ tinh trinh sát là quyền hợp pháp của Triều Tiên nhằm tăng cường khả năng tự vệ của mình" khi nước này đối mặt với cái mà họ gọi là mối đe dọa từ Hàn Quốc và Mỹ.

Yonhap cho biết Triều Tiên sẽ sớm phóng thêm nhiều vệ tinh để tăng cường khả năng giám sát Hàn Quốc.

Các chuyên gia nhận định, việc đưa thành công một vệ tinh do thám vào quỹ đạo sẽ cải thiện khả năng thu thập thông tin tình báo của Triều Tiên, đặc biệt là về Hàn Quốc và cung cấp dữ liệu quan trọng trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào.

Căng thẳng ở khu vực liên tục leo thang khi Triều Tiên dồn dập thực hiện các vụ thử vũ khí trong thời gian qua. Trong khi đó, Seoul, Washington và Tokyo đã tăng cường hợp tác quốc phòng và tập trận để đáp trả.

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm