1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Duterte gây tranh cãi khi kêu gọi đảo quê nhà ly khai khỏi Philippines

Quốc Đạt

(Dân trí) - Quan chức Philippines nói sẵn sàng sử dụng "quyền lực và vũ lực" để dập tắt hành động chia rẽ đất nước, sau khi cựu Tổng thống Rodrigo Duterte kêu gọi một số hòn đảo phía nam tách khỏi đất nước.

Ông Duterte gây tranh cãi khi kêu gọi đảo quê nhà ly khai khỏi Philippines - 1

Ông Rodrigo Duterte khi còn giữ chức Tổng thống Philppines (Ảnh: Reuters).

Trước đó, ông Duterte đã kêu gọi đảo Mindanao - quê nhà của ông - độc lập khỏi Philippines, trong bối cảnh liên minh chính trị giữa ông với Tổng thống đương nhiệm Ferdinand Marcos Jr. rạn nứt trong tuần này do bất đồng xung quanh việc sửa đổi hiến pháp.

Ông Marcos nói rằng việc sửa đổi bản hiến pháp năm 1987 nhằm tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài, nhưng ông Duterte cáo buộc Tổng thống Philippines lợi dụng việc này để duy trì quyền lực.

Lời kêu gọi độc lập của ông Duterte vấp phải sự phản đối công khai của các quan chức chính phủ. Ngày 5/2, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro Jr. cam kết bảo vệ lãnh thổ đất nước.

"Nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng là bảo đảm chủ quyền của Nhà nước và sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia như được quy định trong Hiến pháp", ông Teodoro nói. "Chúng tôi sẽ thực thi nghiêm ngặt nhiệm vụ này dù ở bên ngoài hay bên trong".

Một ngày trước, Cố vấn an ninh quốc gia Eduardo Ano cảnh cáo mọi hành vi cố gắng ly khai "sẽ được chính phủ kiên quyết đáp trả bằng vũ lực". Tuyên bố của ông Ano đề cập đến "những lời kêu gọi gần đây nhằm tách rời Mindanao" nhưng không nêu đích danh ông Duterte.

"Chính phủ quốc gia sẽ không ngần ngại sử dụng quyền lực và vũ lực của mình để dập tắt và ngăn chặn mọi nỗ lực nhằm chia cắt nền Cộng hòa", ông Ano nói.

Ông Ano còn cho rằng, những lời kêu gọi ly khai có thể lật ngược những thành quả đã đạt được trong thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ với các nhóm ly khai trước đây.

Tình trạng bạo lực và xung đột đã đeo bám dai dẳng Mindanao trong nhiều thập kỷ qua, khi mà quân đội chính phủ phải chiến đấu với quân nổi dậy và các nhóm cực đoan. Tình trạng này cản trở đầu tư và khiến nhiều ngôi làng rơi vào cảnh nghèo đói.

Nhóm quân nổi dậy lớn nhất khu vực, Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), ký thỏa thuận hòa bình với chính phủ Philippines vào năm 2014, qua đó ngừng cuộc đấu tranh giành độc lập để đổi lấy quyền tự trị lớn hơn tại vùng Bangsamoro theo đạo Hồi.

Theo Reuters