1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ông Biden xây dựng đội ngũ cứng rắn Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Các nhân sự mới với bề dày kinh nghiệm sẽ giúp Tổng thống Joe Biden xây dựng chính sách đối ngoại của Mỹ với Trung Quốc trong tương lai.

Ông Biden xây dựng đội ngũ cứng rắn Trung Quốc - 1

Tổng thống Joe Biden (Ảnh: Bloomberg)

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn đang hoàn thiện đội ngũ xây dựng chính sách với Trung Quốc, trong đó có những nhân vật từng đưa ra các tuyên bố và bài viết thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Theo Bloomberg, đây là bằng chứng cho thấy chính quyền mới sẽ không quay trở lại kỷ nguyên nồng ấm trước đây trong quan hệ Mỹ - Trung.

Trong số các nhân vật mới tham gia nhóm chính sách Trung Quốc của Tổng thống Biden có Melanie Hart - cựu chuyên gia cấp cao tại Trung tâm vì Tiến bộ Mỹ. Bà Hart sẽ phụ trách việc xem xét lại các chính sách của chính quyền Trump, trong đó có Sáng kiến "Mạng lưới Sạch" (Clean Network) nhằm hối thúc các quốc gia loại bỏ tập đoàn Huawei khổng lồ của Trung Quốc ra khỏi mạng lưới viễn thông thế hệ 5.

Tháng 10/2020, bà Hart đã đồng biên soạn một báo cáo, trong đó nhấn mạnh các khoản trợ cấp nhà nước của Trung Quốc đã thúc đẩy sự trỗi dậy của Huawei. Báo cáo cũng kêu gọi sự hỗ trợ tương xứng dành cho các nhà cung cấp từ Mỹ và các nước đồng minh.

Nhóm chính sách Trung Quốc của Tổng thống Biden còn có Ely Ratner tại Lầu Năm Góc và Elizabeth Rosenberg tại Bộ Tài chính Mỹ. Cả hai nhân vật này đều từng công tác tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ (CNAS).

Trong báo cáo viết cùng đồng nghiệp tại CNAS, hai chuyên gia Ratner và Rosenberg đã kêu gọi thành lập một "liên minh quốc tế" với Nhật Bản và Hà Lan để chế tạo chất bán dẫn và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

"Thách thức từ Trung Quốc, thường được mô tả là một vấn đề trong tương lai, đang hiện hữu ở đây, ngay lúc này", báo cáo của nhóm tác giả cảnh báo.

Trong một báo cáo khác, bà Rosenberg và ông Peter Harrell, chuyên gia tại Hội đồng An ninh Quốc gia, đã kêu gọi chính phủ Mỹ hành động để đối phó với "các biện pháp cưỡng ép của Trung Quốc", đồng thời giúp Mỹ duy trì vai trò không thể thay thế trong chuỗi cung ứng trong tương lai.

Theo Bloomberg, công việc trước đây của các nhân sự mới được bổ nhiệm vào nhóm chính sách Trung Quốc cũng đã hé lộ cách tiếp cận của chính quyền Biden.

Tổng thống Joe Biden cho đến nay vẫn luôn thận trọng trong việc công bố các kế hoạch và chỉ nói rằng, hầu hết các chính sách từ thời cựu Tổng thống Trump vẫn đang được xem xét.

Nhóm chính sách Trung Quốc của Tổng thống Biden đã thống nhất quan điểm về việc phối hợp với các đồng minh trước khi đối đầu với Trung Quốc. Hướng đi này trái ngược với cách tiếp cận đơn độc của chính quyền Trump.

"Khi chúng ta đối đầu với các đồng minh thay vì hợp tác với họ, chúng ta đã để mất đi sức mạnh trong việc đối phó với Trung Quốc", tân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong cuộc phỏng vấn với NPR.

Chuyên gia Melanie Hart kêu gọi xây dựng một chương trình cho vay quốc gia thông qua Ngân hàng Xuất Nhập khẩu, từ đó hình thành một liên minh các cơ quan tín dụng sẵn sàng hỗ trợ cho các nhà cung cấp từ các quốc gia đối tác.

Bà Hart cũng kêu gọi Mỹ cung cấp tài chính cho các quốc gia đang phát triển để họ có thể tiếp cận các công nghệ an toàn và các nguyên tắc quản trị tiêu chuẩn cao trong môi trường Internet tự do và cởi mở.

Bà Hart dự kiến sẽ giữ vai trò điều phối viên chính sách Trung Quốc cho Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách phát triển kinh tế, năng lượng và môi trường - một vị trí vẫn đang để trống trong chính quyền Biden.

Ngoại trưởng Blinken từng gọi Trung Quốc là thách thức lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt. Ông cho rằng cạnh tranh về công nghệ, bao gồm các vấn đề chuỗi cung ứng, vi mạch, trí tuệ nhân tạo và hệ thống mạng thế hệ mới, sẽ trở thành trung tâm trong chính sách Trung Quốc của chính quyền Biden.