1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ông Biden: Mỹ xem xét cởi trói cho vũ khí tầm xa ở Ukraine

Minh Phương

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, chính quyền của ông "đang xem xét" liệu có nới lỏng hạn chế đối với Ukraine về việc sử dụng vũ khí tầm xa trong cuộc xung đột với Nga hay không.

Ông Biden: Mỹ xem xét cởi trói cho vũ khí tầm xa ở Ukraine - 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden (Ảnh: Reuters).

"Chúng tôi đang xem xét", ông Biden nói với các phóng viên hôm 10/8 khi được hỏi liệu Mỹ có nới lỏng hạn chế với Ukraine trong việc sử dụng vũ khí tầm xa do Washington viện trợ hay không.

Mỹ và các đồng minh đã cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng với những hạn chế về cách thức và thời điểm sử dụng chúng để tấn công các mục tiêu quân sự bên trong nước Nga. Những nước này lo ngại các cuộc tấn công như vậy có thể thúc đẩy sự trả đũa của Nga, kéo các nước NATO vào cuộc chiến hoặc kích động xung đột hạt nhân.

Reuters dẫn nguồn thạo tin tuần trước cho hay, Mỹ đã gần đạt được thỏa thuận cung cấp cho Ukraine những vũ khí như vậy. Tuy nhiên, Kiev sẽ phải đợi vài tháng vì Mỹ đang giải quyết các vấn đề kỹ thuật trước khi chuyển bất cứ lô hàng nào.

Hôm qua 10/9, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng phát tín hiệu Mỹ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán về việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây trong cuộc xung đột với Nga.

"Chúng tôi sẽ xem xét và lắng nghe yêu cầu của Ukraine về việc dỡ bỏ các hạn chế sử dụng tên lửa tầm xa", Ngoại trưởng Blinken phát biểu trong một cuộc họp báo với người đồng cấp Anh David Lammy ở London.

Hai nhà ngoại giao sẽ tới Kiev vào hôm nay, trước khi Thủ tướng Anh Keir Starmer gặp Tổng thống Joe Biden tại Washington vào ngày 13/9.

Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh phương Tây cáo buộc Iran cấp tên lửa đạn đạo Fath-360 cho Nga, bất chấp cảnh báo của Mỹ và các đồng minh. Chính phủ Pháp, Đức và Anh đã ra tuyên bố chung, chỉ trích động thái của Iran "đe dọa trực tiếp đến an ninh châu Âu".

Fath-360, hay còn được gọi là BM-120, là tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn dẫn đường bằng vệ tinh của Iran.  Fath-360 có tầm bắn 30-120km, tốc độ tối đa đạt Mach 4.

Tuy nhiên, cả Nga và Iran đều phủ nhận thông tin liên quan đến việc cung cấp tên lửa Fath-360.

Ngược lại, Moscow cảnh báo, phương Tây gánh hậu quả nếu "cởi trói" cho vũ khí viện trợ ở Ukraine.

Ngày 4/9, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ, Mỹ cần hiểu rõ rằng bất kỳ quyết định nào về cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine đều vượt qua "lằn ranh đỏ" của Moscow và có thể gây ra chiến tranh thế giới thứ 3.

Ukraine được cho là đã sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS và Storm Shadow do Mỹ và Anh viện trợ để tấn công mục tiêu quân sự của Nga trên bán đảo Crimea, nhưng chưa được phép dùng cho các cuộc tấn công khác vào lãnh thổ Nga. Kiev vẫn chủ yếu sử dụng máy bay không người lái nội địa để tập kích sâu vào Nga.

Theo Reuters
Dòng sự kiện: Chiến sự Nga - Ukraine