Omicron lan đến Nam Á, Ấn Độ có 2 ca đầu tiên nhiễm siêu biến chủng
(Dân trí) - Ấn Độ ghi nhận hai ca đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron, trong bối cảnh Omicron bắt đầu lan đến các nước châu Á.
AFP dẫn lời ông Luv Agarwal, một quan chức y tế cấp cao của Ấn Độ cho biết, bệnh nhân là hai người đàn ông ở bang Karnataka, miền nam nước này, gồm một người 46 tuổi và một người 66 tuổi. Hai bệnh nhân hiện chỉ có triệu chứng nhẹ.
Quan chức này cho biết thêm, giới chức y tế địa phương đã khẩn trương truy vết và xét nghiệm cho các F1, F2 liên quan đến hai ca F0 này.
Ấn Độ là một trong những nước không áp lệnh hạn chế đi lại với các nước châu Phi sau khi Omicron xuất hiện ở Nam Phi, Botswana hồi tháng trước. Ấn Độ thậm chí dự định nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế từ ngày 15/12. Tuy nhiên, giới chức Ấn Độ hôm qua đã quyết định hoãn kế hoạch này.
Từ đầu tuần này, Bộ Y tế Ấn Độ đã yêu cầu toàn bộ người nhập cảnh từ 12 quốc gia "có nguy cơ" với biến chủng Omicron phải làm xét nghiệm Covid-19 bắt buộc khi nhập cảnh. Mumbai, thành phố lớn thứ hai Ấn Độ, hôm 1/12 cũng áp dụng quy định cách ly bắt buộc 7 ngày đối với tất cả hành khách đến từ các quốc gia có nguy cơ.
Trong bối cảnh Omicron bắt đầu lan rộng trên thế giới, chính phủ Ấn Độ khuyến cáo các bang tăng cường xét nghiệm. Trước đó, Bộ Y tế Ấn Độ cảnh báo, thực trạng giảm lượng xét nghiệm gần đây ở các địa phương có thể ảnh hưởng đến nỗ lực của quốc gia nhằm đối phó đại dịch.
Sau khi trải qua làn sóng Covid-19 chết chóc hồi tháng 4 và tháng 5 năm nay, số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 ở Ấn Độ đã giảm mạnh. Giới chức ở đây lo ngại, Covid-19 hạ nhiệt thời gian qua có thể khiến nhiều người chủ quan với biến chủng mới.
Ấn Độ là quốc gia tiếp theo ở châu Á ghi nhận ca nhiễm Omicron sau Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc). Các chính phủ châu Á đang nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm ngăn biến chủng Omicron xâm nhập.
Dù chưa ghi nhận ca nhiễm Omicron nào, nhưng Singapore đã siết chặt quản lý nhập cảnh. Từ ngày 3/12, tất cả hành khách đi bằng đường hàng không đến Singapore, bao gồm công dân Singapore trở về nhà và những người quá cảnh qua sân bay Changi, sẽ phải xét nghiệm trước khi lên máy bay và xét nghiệm PCR khi đến Singapore.
Malaysia cũng tạm cấm nhập cảnh đối với du khách từ các quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron hoặc các quốc gia bị coi là có nguy cơ cao.
Nhật Bản ngừng nhập cảnh đối với công dân của 10 quốc gia ở phía nam châu Phi, nơi đầu tiên phát hiện Omicron. Nhật Bản cũng yêu cầu các hãng hàng không ngừng nhận đặt chỗ chuyến bay mới đến nước này do lo ngại biến chủng Omicron.
Omicron được phát hiện ở châu Phi hồi tháng trước và hiện đã lan ra khoảng 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Hôm nay, Hy Lạp, Phần Lan đều ghi nhận các ca nhiễm Omicron đầu tiên. Ca nhiễm Omicron đầu tiên ở Hy Lạp là công dân trên đảo Crete vừa trở về từ Nam Phi hồi tháng trước và chỉ có triệu chứng nhẹ. Ca Omircon đầu tiên ở Phần Lan là người đến từ Thụy Điển. Cùng ngày, Pháp cũng ghi nhận hai ca nhiễm đầu tiên ở lục địa, trong đó một người vừa trở về từ Nigeria, một người vừa trở về từ Nam Phi. Tháng trước, Pháp đã phát hiện một ca ở đảo La Reunion.
Trong khi đó, giới chức y tế Na Uy nghi ngờ 50 người ở nước này có thể đã nhiễm Omicron sau một tiệc Giáng sinh ở Oslo. Cụ thể, 41 người dân địa phương ở Oslo và 9 vị khách ở các vùng lân cận đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 sau khi tham dự một bữa tiệc Giáng sinh hôm 26/11. "Chúng tôi chưa thể xác minh đầy đủ, nhưng rất có khả năng ổ dịch này liên quan đến biến chủng Omicron.
Biến chủng Omicron gây lo ngại vì có chứa số đột biến cao nhất từ trước đến nay. Hiện có rất ít dữ liệu về Omicron song các dữ liệu ban đầu cho thấy Omicron có thể lây lan nhanh hơn Delta - biến chủng trội toàn cầu hiện nay. Bác sĩ Leong Hoe Nam của Bệnh viện Mount Elizabeth Novena (Singapore), nhận định Omicron có thể trở thành biến chủng trội toàn cầu sau 3-6 tháng nữa.
Cuối tuần trước, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci cũng nhận định: "Đặc điểm đột biến của nó cho thấy Omicron có thể có lợi thế về khả năng lây lan và có thể né miễn dịch".