1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Obama và chiến thắng mang ý nghĩa toàn cầu

(Dân trí) - Khắp toàn cầu, người ta đua nhau ca ngợi Barack Obama hệt như ông đã đắc cử tổng thống Mỹ, dù trên thực tế ông chỉ vừa chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ. Obama được hoan nghênh không chỉ vì viễn cảnh tốt đẹp cho nước Mỹ mà cho cả thế giới.

Nhiều người nói rằng, thắng lợi của Thượng nghị sĩ 46 tuổi trong cuộc bầu cử sơ bộ đã báo hiệu sự thất bại của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Và nếu Obama trở thành tổng thống, chiến thắng có thể là điềm báo cho sự ra đi của cuộc tham chiến đơn thân độc mã - như những người ngoài cuộc vẫn miêu tả - trong kỷ nguyên George Bush.

 

Tại Pháp, bà Segolene Royal, đối thủ cũ của Tổng thống Sarkozy trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp hồi năm 2007, nói: “Ông Obama là hiện thân của nước Mỹ hôm nay và tương lai”.

 

Tổng thư ký đảng cầm quyền Pháp UMP Patrick Devedjian nói với giọng phấn khởi hơn. Devedjian gọi tấm vé ứng cử tổng thống của Obama là “một hình ảnh rất đẹp của nước Mỹ, hình ảnh của một ứng viên đã vượt qua cuộc đua và tới nơi mà ông ấy muốn chỉ bằng tài năng xuất sắc của ông”.

 

Thị trưởng Paris Bertrand Delanoë nhận xét: “Tấm vé ứng cử tổng thống của Obama mang hi vọng lớn lao cho nước Mỹ và cho nền hoà bình trên thế giới”.

 

Nhìn chung, việc ông Obama tuyên bố giành chiến thắng đã chuyển sự tập trung của thế giới sang cuộc đối đầu giữa một bên là đại diện đảng Dân chủ và bên kia là Thượng nghị sĩ John McCain, ứng cử viên của phe Cộng hoà - đảng đã đánh mất hình ảnh của mình trên toàn cầu vì cuộc chiến Iraq.

 

Thắng lợi của ông Obama được báo chí châu Á và một số tờ báo ở châu Âu đưa lên trang nhất tuy muộn hơn. Nhưng các chương trình truyền hình và đài phát thanh buổi sáng, kèm theo đó là nhiều trang web, đã dành sự quan tâm đặc biệt tới chiến thắng của Thượng nghị sĩ Illinois chẳng khác nào các phương tiện truyền thông ở Mỹ.

 

Trung Quốc không đưa ra bình luận chính thức nào về thắng lợi của ông Obama. Nhưng tin tức này đã ngay lập tức được đưa lên trang nhất các trang web lớn. Sina.com, công ty quản lý cổng Internet của Trung Quốc, đã nhanh chóng tiến hành một cuộc thăm dò dư luận trên mạng: Bạn có nghĩ Obama sẽ chiến thắng? Vào trưa ngày thứ 4, khoảng 20.000 người đã tham gia bỏ phiếu trực tuyến, với 55% dự đoán Thượng nghị sĩ Illinois sẽ thắng, 32% cho rằng ông sẽ thua và 13% trả lời “khó nói”.

 

Ấn tượng tốt đẹp dành cho ứng cử viên da màu cũng được cảm nhận ở Pakistan, nơi bài phát biểu của Obama tại nhà thờ St. Paul (bang Minesota), được phát sóng trên truyền hình vào 9 giờ sáng ngày thứ 4.

 

Munaway Akhtar, một luật sư giỏi ở thủ đô Islamabad nhận định: “Nếu ông ấy trở thành tổng thống, điều đó sẽ mang lại sự thay đổi tốt đẹp trong quan hệ với Pakistan. Pakistan luôn thân thiện với Mỹ nhưng người dân chưa bao giờ được hưởng lợi mà chỉ các nhà lãnh đạo. Hi vọng, điều đó sẽ thay đổi với Obama”.

 

Wamiq Zuberi, tổng biên tập Business Recorder - tờ báo thương mại lớn nhất của Pakistan, tin rằng người dân nước này rất vui mừng. “Mọi người thực sự ấn tượng với giây phút lịch sử khi một người Mỹ gốc Phi đầu tiên trở thành ứng cử viên tổng thống cho một đảng chính trị lớn ở Mỹ’.

 

Tinh thần lạc quan đó cũng xuất hiện tại trung tâm tài chính ở Hồng Kông. “Tôi cảm thấy hình ảnh của ông ấy rất trẻ trung, tươi mới, đầy sinh lực”, Richard Law, một luật sư 50 tuổi nói.

 

Trên khắp châu Âu, chiến thắng của Obama được nhìn qua lăng kính và các sắc thái của lợi ích quốc gia.

 

Một người Kosovo, vùng đất đã phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia hồi tháng 2 và giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, nói: “Người Kosovo yêu bất kỳ ứng viên nào nếu họ yêu quí chúng tôi”. Obama và McCain đều ủng hộ độc lập cho Kosovo.

 

Tại Đan Mạch, nước ủng hộ cuộc chiến của Mỹ tại Iraq trước khi rút quân do sự phản đối ngày càng tăng ở trong nước, cây viết về chính trị Matias Seidelin của tờ Politiken cho rằng Thượng nghị sĩ Obama được xem là ứng cử viên có khả năng hàn gắn danh tiếng đã bị tổn hại của Mỹ. “Ông ấy nghiêng về đối thoại trong chính sách ngoại giao”.

 

Tại Đức, nhiều tờ báo và đài phát thanh, truyền hình cũng bị cuốn vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Vài chính trị gia và nhà bình luận gọi Obama là một John F. Kennedy mới, bày tỏ hi vọng rằng Obama sẽ trở thành chủ nhân Nhà Trắng không chỉ bởi sức trẻ mà còn bởi lời hứa rằng ông sẽ không đi lại con đường cũ của chính quyền Bush.

 

Tại thủ đô Brussels (Bỉ), Jan Marinus Wiersma, phó chủ tịch nhóm Xã hội, nói: “Obama đại diện cho sự thay đổi của một chương trình nghị sự mà châu Âu mong đợi. Chúng tôi hi vọng và mong ông ấy sẽ chiến thắng”.

 

Giới trí thức và các chính trị gia tại nhiều nước khác ở châu Âu như Thuỵ Sĩ, Hy Lạp, Tây Ban Nha. Tại Thuỵ sĩ, Miriam Behrens, phát ngôn viên của đảng Xanh nói: “Công chúng có khuynh hướng ủng hộ Obama. Ông ấy được coi là người có sức lôi cuốn quần chúng, cởi mở trong cách tiếp cận với châu Âu về mọi vấn đề. Tại đây, mọi người đánh giá rất cao ông ấy”.

 

Chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ cũng được theo dõi sít sao tại Baghdad, nơi các chính trị gia có khuynh hướng ủng hộ các ứng viên dựa trên lập trường và sự hiểu biết của họ về cuộc chiến Iraq.

 

Mahmoud Othman, một thành viên uy tín của liên minh người Kurd trong quốc hội nói: “Đó là vấn đề liên quan tới người dân Mỹ. Tôi thích Clinton hơn bởi bà ấy quan tâm tới vấn đề Iraq và đặc biệt là người Kurd. Nói chung, thay đổi là điều tốt đẹp cho nước Mỹ. Họ muốn một chính quyền mới kể từ khi Obama đại diện cho tầng lớp trẻ và ông ấy muốn sự thay đổi”.

 

An Bình

Theo New York Times