1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Lời nhắc khéo của nước Nga

Những biến động phức tạp ở Ukraine và việc Nga tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn ngay sát với nước láng giềng này đang đặt cơ quan tình báo Mỹ và phương Tây vào tình trạng hoạt động hết công suất.


Một đơn vị xe tăng của Nga tham gia tập trận
Một đơn vị xe tăng của Nga tham gia tập trận

Phát biểu tại một cuộc họp báo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ C. Hagel cho biết Washington theo dõi sát cuộc diễn tập quân sự của Nga dọc biên giới với Ukraine và khuyến cáo Mátxcơva tránh mọi bước đi có thể dẫn đến hiểu lầm hoặc “tính toán sai vào thời điểm nhạy cảm này”. Các đồng minh của Mỹ trong NATO thì đồng thanh “nhắc nhở” Nga “không được can thiệp quân sự vào Ukraine”.

Đúng là việc Nga tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn ngay sát biên giới với Ukraine trong bối cảnh đất nước Đông Âu này đang rối bời sau những biến động chính trị dữ dội, với sự tham gia của 110 nghìn binh sĩ, 90 máy bay, hơn 100 trực thăng, 880 xe tăng, hơn 1.200 thiết bị quân sự và 80 tàu thuyền đương nhiên khiến Mỹ và phương Tây phải chú ý. Thêm vào đó, kịch bản cuộc tập trận bao gồm cả các hoạt động đổ bộ bằng trực thăng cũng không phải là điều ngẫu nhiên.

Không khó khăn gì để hiểu rằng đây là đòn cảnh báo của Nga với những người đang tạm nắm quyền ở Ukraine rằng nước Nga có những lợi ích ở Ukraine mà Kiev phải tính đến. Mối quan tâm của Nga không phải không có lý khi mà không ít những tuyên bố phát đi từ Kiev ẩn chứa thông điệp bài Nga. Nhiều kẻ cực đoan lên tiếng đòi cấm các kênh truyền hình Nga phát sóng ở Ukraine, đập phá các công trình kiến trúc lịch sử-văn hóa có gắn với Nga tại một số địa phương Ukraine.

Thêm vào đó là tương lai của bán đảo Crimea, nơi có tới hơn 60% dân số là người Nga. Đây cũng chính là nơi đặt đại bản doanh của Hạm đội Biển Đen hùng mạnh của Nga. Theo hợp đồng cho thuê được Tổng thống vừa bị lật đổ Yanukovich ký, Nga có quyền đặt căn cứ hải quân tại thành phốSevastopol trên bán đảo Crimea cho tới năm 2042. Điều gì sẽ xảy ra nếu ban lãnh đạo mới của Ukraine vốn có tâm lý bài Nga hủy bỏ hoặc đòi thay đổi nội dung hợp đồng trên?

Bất kể ai lên nắm quyền ở Ukraine thì cũng cần hiểu là Nga có lợi ích chiến lược ở nước láng giềng này, đó là thông điệp mà Mátxcơva muốn phát đi trong các hành động gần đây của mình. Xét về tiềm lực, nước Nga không thiếu các công cụ cần thiết để bảo vệ các lợi ích này. Ukraine hiện đang chìm trong nợ nần. Con số nợ nước ngoài của Ukraine hiện lên tới 73 tỷ USD và trong năm 2014, nước này phải thanh toán 12 tỷ USD. Các quan chức Ukraine tuyên bố cần 35 tỷ USD, từ nay đến năm 2015, để tránh không bị phá sản.

Ngoài cam kết của Nga cho Ukraine vay 15 tỷ USD và tài trợ khoảng 2 tỷ USD thông qua giảm giá bán khí đốt, hiện chưa có nước nào tỏ ý cứu giúp Kiev. Pháp đã khẳng định sẽ không cung cấp khoản viện trợ nào cho Ukraine, trong khi các nước lớn của EU như Đức, cũng thận trọng, chờ đợi đến khi có một chính phủ chuyển tiếp tại Kiev, mới đưa ra quyết định có viện trợ hay không.

Lớn tiếng ủng hộ chính quyền mới ở Kiev như Mỹ cũng chỉ hứa cung cấp khoản tín dụng trị giá 1 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine ngăn chặn sụp đổ kinh tế. Con số này chẳng khác nào như “muối bỏ biển” so với “cơn khát” đang hành hạ nền kinh tế Ukraine. Đã thế, lời hứa này còn đi kèm với điều kiện Ukraine phải xúc tiến chương trình cải cách kinh tế, chống tham nhũng, tiến hành các cuộc bầu cử tự do và công bằng. Trong bối cảnh này, con bài kinh tế của Nga sẽ buộc các “đầu nóng” bài Nga ở Kiev phải tỉnh táo hơn.

Theo Hoàng Sơn

An ninh thủ đô