1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ô nhiễm không khí làm gia tăng nguy cơ sảy thai

(Dân trí) - Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, sự tiếp xúc với ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ sảy thai “không rõ nguyên nhân” ở phụ nữ.

Ô nhiễm không khí làm gia tăng nguy cơ sảy thai - 1

(Ảnh minh họa: the independent)

Các nghiên cứu trước đó cho thấy có sự liên quan giữa ô nhiễm không khí và các biến chứng thai kỳ. Nhưng trong nghiên cứu mới của các trường đại học Trung Quốc đăng tải trên tờ Nature Sustainability đã làm sáng tỏ hơn những ảnh hưởng của ô nhiễm với thai kỳ.

Nghiên cứu chỉ ra rằng việc tiếp xúc với nồng độ cao các chất trong không khí như sulfur dioxide, ozone và carbon monoxide, đều làm tăng nguy cơ sảy thai không rõ nguyên nhân trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Thêm vào đó, “sự gia tăng nguy cơ không chỉ tỉ lệ thuận với ô nhiễm mà còn nghiêm trong hơn khi mật độ các chất độc hại trong không khí tăng cao hơn”, nghiên cứu nêu rõ.

Sảy thai không rõ nguyên nhân diễn ra khi thai nhi chết hay ngừng lớn ở giai đoạn đầu thai kỳ nhưng vẫn ở lại trong tử cung và thường chỉ phát hiện khi đi siêu âm định kỳ vài tuần sau đó.

Các nhà nghiên cứu của 4 đại học cùng Viện Khoa học Trung Quốc đã theo dõi thai kỳ của hơn 250.000 phụ nữ tại Bắc Kinh giai đoạn 2009-2017, trong đó đã có 17.497 trường hợp sảy thai không rõ nguyên nhân.

Các nhà nghiên cứu đã thực hiện đặt thiết bị đo không khí ở gần nhà và nươi làm việc của các thai phụ này để đo mức độ ô nhiễm.

“Trung Quốc là một quốc gia đang già hóa và nghiên cứu của chúng tôi sẽ góp phần tạo động lực để giảm tình trạng ô nhiễm, giúp tăng tỉ lệ sinh”, các nhà nghiên cứu cho biết.

Theo Giáo sư Sahun Brennecke, Khoa Sản phụ khoa, Đại học Melbourne, nghiên cứu cho thấy có sự liên quan định lượng giữa ô nhiễm không khí và sảy thai không rõ nguyên nhân. Nhưng để xác định chính xác sự liên quan này sẽ cần phải có những thử nghiệm trên phôi thai.

Mức độ ô nhiễm không khí ở thủ đô của Trung Hoa đã giảm rõ rệt trong những năm gần đây, dù chỉ số ô nhiễm mỗi ngày khác nhau và không giống nhau ở các điểm đo trên toàn thành phố. Tuy nhiên, lượng bụi mịn PM2.5 vẫn cao gấp 4 lần so với khuyến nghị của tổ chức Y tế Thế giới (8 tháng đầu năm, Bắc Kinh đang hứng lượng bụi mịn trung bình là 42,6 microgram/m2 không khí).

“Kết quả của nghiên cứu là phù hợp với các nghiên cứu về ô nhiễm và hỏng thai, cũng như các nghiên cứu về mối liên quan giữa ô nhiễm không khí và sinh non”, Frederica Perera, chuyên gia về y tế công cộng, Đại học Columbia, đánh giá về nghiên cứu trên AFP.

Nhân Hà

Theo Japantimes

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm