Nút thắt khiến cơ hội đàm phán hòa bình Nga-Ukraine càng thêm mong manh
(Dân trí) - Con đường đàm phán hòa bình trong cuộc xung đột Nga - Ukraine cho đến nay vẫn chưa thấy bất kỳ "ánh sáng cuối đường hầm" nào do những nút thắt mà cả hai chưa thể tìm được tiếng nói chung.
Sau hơn 9 tháng xung đột khốc liệt, mấu chốt trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine vẫn nằm ở bán đảo Crimea - khu vực hiểm trở với những cao nguyên đá vôi và những hàng dương tuyệt đẹp mà Moscow đã sáp nhập từ năm 2014.
Và chính cái tên này đang trở thành "lằn ranh đỏ" lớn nhất hiện nay trên bất kỳ bàn đàm phán hòa bình nào giữa Ngan - Ukraine khi cả hai đều coi Crimea là vấn đề không thể nhượng bộ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng kẳng định rằng, chiến sự chỉ có thể kết thúc khi Crimea trở về với Ukraine, trong khi Moscow khẳng định không bao giờ từ bỏ bán đảo này.
"Chỉ khi nào kiểm soát lại bán đảo Crimea thì khi đó hòa bình mới được khôi phục thực sự", Tổng thống Zelensky nói hồi tháng 10. "Khả năng tấn công của Nga sẽ hoàn toàn bị vô hiệu hóa khi lá cờ Ukraine trở lại đúng vị trí của nó, tại các thành phố, làng mạc ở Crimea".
Nhưng đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, việc sáp nhập Crimea đã trở thành một trụ cột trong di sản của ông. Ông Putin đã nhấn mạnh, bất kỳ nỗ lực nào của Ukraine nhằm giành lại Crimea sẽ vượt qua "lằn ranh đỏ" mà ông sẽ không thể nào dung thứ.
Hy vọng giành lại Crimea của Ukraine từ lâu dường như là một điều xa vời, nhưng những đà phản công hiệu quả gần đây trên chiến trường của Kiev đang khiến mục tiêu trở nên khả thi hơn, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Phương Tây, trong khi ủng hộ Ukraine, lo ngại rằng nếu Kiev mở chiến dịch tấn công vào Crimea có thể kích động Nga thực hiện những hành động quyết liệt, đặc biệt là khi Điện Kremlin từng ám chỉ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ "toàn vẹn lãnh thổ".
Một số quan chức phương Tây cho rằng, một thỏa thuận trong đó Ukraine chấp nhận từ bỏ Crimea sẽ là cơ sở để hai bên hướng tới chấm dứt xung đột bằng con đường ngoại giao. Trong khi người Ukraine coi ý tưởng đó là "ngây thơ một cách nguy hiểm", Nga nói rằng họ sẽ không đàm phán về những gì đã là của mình.
Những tuyên bố chủ quyền vững chắc của hai bên đối với Crimea cho thấy tính chất khó giải quyết của cuộc xung đột và thật khó để tưởng tượng cuộc chiến trên bán đảo này sẽ khủng khiếp như thế nào.
Sau cuộc tấn công gây sốc vào đầu tháng 10 nhằm vào cầu Crimean - một biểu tượng trị giá 4 tỷ USD của Nga tại bán đảo này, Nga đã phát động chiến dịch không kích liên tục nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng thiết yếu của Ukraine, có nguy cơ đẩy nước này vào một thảm họa nhân đạo nghiêm trọng.
Và sau khi Kiev nắm lại quyền kiểm soát Kherson, nơi Moscow từng tuyên bố sẽ "thuộc về nước Nga mãi mãi", các quan chức Nga đã liên tục có những tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề này.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố sẽ có một "ngày phán xét" trong trường hợp xảy ra bất kỳ cuộc tấn công nào vào Crimea, còn một thành viên quốc hội Nga cảnh báo về "đòn chí mạng cuối cùng".
Trong khi đó, Ukraine đang lên phương án chi tiết cho việc giành lại quyền kiểm soát Crimea, bao gồm cả việc trục xuất hàng nghìn công dân Nga đã chuyển đến bán đảo này sinh sống sau năm 2014.
Tamila Tasheva, đại diện thường trực của Ukraine tại Crimea, nói: "Tất cả các công dân Nga đến Crimea, trừ một số trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, đều tới đây một cách bất hợp pháp. Vì vậy, chúng tôi đề ra một phương án là tất cả những người này phải rời đi".
Nga có quan điểm tối đa của riêng mình. Mới đây, Moscow thậm chí sáp nhập thêm 4 khu vực khác của Ukraine là Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson.
Việc cả hai bên đều tỏ ra quyết liệt trong vấn đề chủ quyền đối với Crimea có nguy cơ biến cuộc xung đột này thành cuộc chiến kéo dài hàng thập niên, giống các cuộc đối đầu về lãnh thổ ở Bờ Tây-Gaza, Nagorno-Karabakh hoặc Kurdistan.
Nga đã nhượng bán đảo Crimea cho Ukraine vào năm 1954 khi cả Nga và Ukraine đều thuộc Liên Xô. Năm 2014, vài ngày sau khi Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych chạy trốn sau cuộc Cách mạng Maidan, các nhà chức trách ở đây đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập về với Nga. Và Crimea trở thành một phần của Nga từ thời điểm đó.
Trong 8 năm qua, số phận của Crimea bị lu mờ bởi cuộc chiến ở vùng Donbas phía đông Ukraine. Nhưng kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Zelensky đã bắt đầu xây dựng kế hoạch với tham vọng giành lại quyền kiểm soát Crimea.
Vào năm 2021, chính phủ của ông đã thành lập một hội nghị thượng đỉnh hàng năm có tên là "Nền tảng Crimea", nhằm gây chú ý với cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên, Nikolay Petrov, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chatham House có trụ sở tại London, cho rằng ý tưởng rằng Nga sẽ từ bỏ Crimea là điều "hoàn toàn không thể xảy ra".
Cũng theo chuyên gia trên, các chính sách tái tham vọng kiểm soát Crimea được chính quyền Tổng thống Zelensky công bố từ năm 2021 có thể là một trong những yếu tố thúc đẩy Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt hồi tháng 2.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Lord David Richards, cựu tham mưu trưởng quân đội Anh, cho rằng nếu quyết giành lại Crimea, Ukraine có nguy cơ thổi bùng một cuộc xung đột hạt nhân. "Ông Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để ngăn chặn kịch bản đó", Richards cảnh báo.
Tuy nhiên, một số quan chức phương Tây vẫn lạc quan hy vọng rằng thỏa thuận về Crimea có thể là chìa khóa để chấm dứt xung đột.