1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Nước Nga hướng tới chính sách cân bằng Đông - Tây

(Dân trí) - Tổng thống Nga Putin đang có chuyến công du nước ngoài quan trọng, đưa ông tới hai cường quốc hàng đầu châu Âu Đức, Pháp, các nước thành viên SNG và Trung Quốc.

 
Ông Putin hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh ngày 5/6.

Ông Putin hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Bắc Kinh ngày 5/6.
 
Chuyến đi thể hiện rõ định hướng chính sách đối ngoại của Nga trong thời gian tới: Đó là cân bằng ngoại giao Đông-Tây và thúc đẩy liên kết Á-Âu.

Từ trọng tâm chính sách đối ngoại

Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức ngày 7/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký 11 sắc lệnh trình bày những nội dung cơ bản của chủ trương chiến lược phát triển nước Nga trong nhiệm kỳ tới.

Theo đó, hướng then chốt trong các hoạt động đối ngoại của Nga là tăng cường quan hệ hợp tác với các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), thúc đẩy liên kết Á - Âu trong khuôn khổ Liên minh thuế quan và không gian kinh tế thống nhất với mục tiêu đến ngày 1/1/2015, sẽ xây dựng Liên minh kinh tế Á- Âu.

Bên cạnh đó, định hướng chính sách đối ngoại của Nga cũng dành sự chú ý nhiều hơn trong quan hệ với Mỹ. Tổng thống Putin chủ trương duy trì hợp tác ổn định và có thể dự báo được trên cơ sở các nguyên tắc bình đẳng, không can thiệp công việc nội bộ và tôn trọng lợi ích của nhau nhằm đưa hợp tác giữa hai nước lên tầm cao chiến lược mới.

Về quan hệ với các nước châu Âu-Đại Tây Dương, Tổng thống Putin hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ thống an ninh công bằng và không thể tách rời trong không gian châu Âu-Đại Tây Dương trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Còn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, người đứng đầu điện Kremli chủ trương đề xuất các sáng kiến nhằm xây dựng ở khu vực này một cơ cấu an ninh và hợp tác mới dựa trên các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế, các nguyên tắc tập thể, an ninh công bằng, không tham gia các liên minh song cũng không tách rời giữa các nước.

Đến những hoạt động thực tế

Với những trọng tâm đề ra trong chính sách đối ngoại nói trên, người ta có thể hiểu tại sao ông Putin lại chọn thời điểm này để thực hiện hai chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình trên cương vị người đứng đầu nhà nước, mặc dù trước đó ông đã có không ít cơ hội để “có màn ra mắt cộng đồng thế giới”sau khi chính thức trở lại điện Kremli trong nhiệm kỳ thứ ba cách đây gần một tháng.

Cụ thể trong chuyến công du đầu tiên thăm châu Âu từ 31/5 – 2/6, Tổng thống Putin đã đến thăm Belarus, Đức và Pháp. Tiếp đó, từ 4 – 8/6, ông thăm chính thức Trung Quốc và hai quốc gia Trung Á Kazakhstan, Uzbekistan.

Việc chủ nhân của điện Kremli chọn đích đến là ba quốc gia thuộc Liên Xô trước đây (gồm Belarus, Kazakhstan, Uzbekistan), Trung Quốc (nền kinh tế thứ hai thế giới) và Đức, Pháp (hai nền kinh tế hàng đầu châu Âu) cho thấy ông Putin đã không hề giấu giếm ý định tìm kiếm quan hệ sâu sắc hơn với châu Á và châu Âu nhằm tạo ra sự tương tác tích cực với cả hai châu lục này để duy trì "quan hệ ngoại giao cân bằng" trong tương lai.

Trước chuyến đi này, một số chuyên gia dự đoán chính sách đối ngoại của Nga có thể sẽ chuyển trọng tâm sang phía Đông, sau khi ông Putin đã cố ý "né" chuyến đi Mỹ khi từ chối không tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước phát triển công nghiệp (G-8) tại trại David để dành “món quà” này cho Trung Quốc, nước láng giềng lớn nhất của Nga.

Tuy nhiên, với việc ông Putin cũng đi thăm chính thức ba nước SNG cùng với Đức, Pháp là hai đối tác kinh tế chính của Nga ở châu lục già, giờ đây dư luận không còn chút mảy may nghi ngờ về việc Nga sẽ vẫn duy trì thế cân bằng ngoại giao Đông - Tây.

Hướng tới liên minh kinh tế Á - Âu

Thực tế đã cho thấy, trong những năm qua Nga đã ráo riết tăng cường hội nhập với Belarus, thành viên thân cận nhất của  và Kazakhstan trong nỗ lực chung nhằm thành lập một liên minh kinh tế Âu-Á vào năm 2015. Đây sẽ là cơ chế hợp tác kinh tế liên chính phủ theo kiểu Liên minh châu Âu (EU) mà nhiều người cho rằng nó không nằm ngoài mục đích tái tạo lại đế chế Xôviết để tạo điều kiện cho việc giao thương hàng hóa, lao động và tiền tệ.

Là nước ủng hộ chính cho sự hội nhập của SNG, Belarus đóng vai trò quan trọng trong quan hệ đối ngoại của Nga để giúp ông Putin gây ảnh hưởng đối với cả khu vực.

Ngoài ra, Belarus còn là đồng minh thân cận nhất của Nga trong không gian hậu Xôviết. Hai nước đã ký Hiệp ước thành lập Nhà nước liên minh Nga – Belarus từ tháng 12/1999 và luôn ủng hộ nhau trong các tổ chức liên kết khác như Liên minh thuế quan và không gian kinh tế thống nhất, Cộng đồng kinh tế Á - Âu, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (ODKB) và SNG.

Trên nền tảng quan hệ gắn kết đó, cũng dễ hiểu tại sao chuyến thăm Minsk của ông Putin chỉ kéo dài nửa ngày nhưng hai nước đã ký được một loạt văn kiện hợp tác quan trọng theo hướng đưa quan hệ chiến lược song phương ngày càng phát triển toàn diện.

Cũng trong chuyến thăm, tổng thống hai nước đã bày tỏ tin tưởng rằng Liên minh kinh tế Á - Âu sẽ góp phần hình thành sức ảnh hưởng địa - chính trị một cách mạnh mẽ, thu hút các quốc gia trong mối liên kết Á - Âu, tạo ra một mô hình hợp tác kinh tế mới xuyên suốt từ Lisbon (Bồ Đào Nha) tới Vladivostok (LB Nga).

Theo thống kê, hiện Belarus là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Nga. Năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng gần 40%, vượt ngưỡng 38 tỷ USD.

Còn tại Uzbekistan, chặng dừng chân đầu tiên của ông Putin hôm 4/6 trong chuyến công du châu Á đưa ông tới cả Trung Quốc và Kazakhstan, hai bên đã ký Tuyên bố củng cố quan hệ đối tác chiến lược và Văn bản ghi nhớ liên quan tới việc Uzbekistan sẽ liên kết với Khu vực thương mại tự do của Cộng đồng SNG từ cuối năm nay.

Theo nhận định của giới chuyên gia, chuyến thăm Uzbekistan không chỉ nhằm đẩy nhanh kế hoạch đưa quốc gia Trung Á này tham gia vào hiệp định thương mại khu vực đã được 8 nước Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgystan, Mondova, Tajikistan và Ucraina ký ngày 18/10/2011, mà còn giúp điện Kremli lôi kéo Tashkent trong bối cảnh các nhà lãnh đạo Uzbekistan vẫn đang dao động giữa việc “ngả sang Đông hay thuận theo Tây” và chưa hoàn toàn từ bỏ thái độ cảnh giác đối với quá trình hội nhập.

Trong khi đó, với nước láng giềng Trung Á Kazakhstan nơi ông Putin sẽ tới thăm sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh SCO tại Trung Quốc ngày 6-7/6, bên cạnh việc củng cố sự hội nhập sâu rộng giữa hai nước, mục tiêu chính của ông Putin là đẩy mạnh lộ trình thực thi không gian kinh tế thống nhất Nga - Belarus – Kazakhstan, vốn đã đi vào hoạt động từ đầu năm nay.

Tăng cường hợp tác với châu Âu  

Tất nhiên, bên cạnh các nỗ lực tăng cường liên minh kinh tế ở khu vực, để thực hiện chính sách ngoại giao cân bằng Đông – Tây và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế, ông Putin không thể bỏ qua khu vực châu Âu, mà cụ thể là Pháp và Đức.

Trong sắc lệnh về phát triển kinh tế, ông Putin đã đề ra các chỉ tiêu tăng trưởng đầy tham vọng là tạo ra 25 triệu việc làm chất lượng cao vào năm 2020, tăng tỷ trọng đầu tư lên 25% GDP vào năm 2015, tăng tỷ lệ sản phẩm công nghệ cao lên 1/3 GDP vào năm 2018 và tăng năng suất lao động lên 1,5 lần vào 2018.

Vì vậy, tại hai trạm dừng chân Pháp và Đức trong hai ngày 1-2/6, bên cạnh việc thảo luận các vấn đề quốc tế cùng quan tâm như khủng hoảng tại Syria và số phận chính trị của cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Timochenko, Tổng thống Nga đã dành phần lớn nỗ lực và thời gian để tìm kiếm một sự tiếp cận lớn hơn đối với các thị trường năng lượng châu Âu, đồng thời vận động hành lang cho các doanh nghiệp Nga muốn tiếp cận với ngành công nghiệp ở châu Âu.

Việc ông Putin chọn thăm hai nền kinh tế đầu tàu châu Âu trong bối cảnh giữa hai quốc gia này đang nổi lên sự ganh đua vai trò lãnh đạo nhằm định hướng đường lối dẫn dắt EU ra khỏi khủng hoảng cũng ẩn chứa một hàm ý khác. Đó là việc ông muốn “lợi dụng” cuộc khủng hoảng nợ châu Âu để buộc Berlin và Paris dễ dàng chấp thuận các đề nghị của Nga hơn.

"Ông Putin hy vọng trong bối cảnh khủng hoảng và bất ổn hiện nay, các nước lớn sẽ tìm kiếm sự ủng hộ nằm ngoài quỹ đạo quen thuộc của họ", Tổng biên tập tạp chí "Nước Nga trong các vấn đề toàn cầu", ông Fyodor Lykyanov nhận định.

Trước một cỗ máy châu Âu đang rệu rã vì nợ công và tồn tại nhiều chia rẽ, ông Putin đã rất khôn khéo khi chọn cách tiếp cận “xé lẻ” với từng thành viên EU để đảm bảo các lợi ích kinh tế của mình. Vì vậy, cũng không quá khi có ý kiến cho rằng tăng cường hợp tác với từng thành viên EU thay vì với toàn khối là điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của Nga những năm tới.

Và không thể bỏ qua Trung Quốc

Mặc dù ông Putin tới Trung Quốc với mục đích dự hội nghị SCO nhưng một hoạt động khác cũng không kém phần quan trọng là thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh. Đối với Nga, sự phát triển của Trung Quốc không phải là mối đe dọa đối với nước này, mà ngược lại là cơ hội để hai bên cùng phát triển.

Vì vậy, trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 5/6, hai bên đã nhất trí tiếp tục coi phát triển quan hệ song phương là một trong những phương hướng ưu tiên chủ yếu của ngoại giao mỗi nước. Tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, ông Putin nhấn mạnh Nga và Trung Quốc có lợi ích đồng nhất trong nhiều lĩnh vực, cả về kinh tế, tài chính, công nghệ, văn hóa và các vấn đề quốc tế…

"Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của hai nước, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Nga-Trung đã được nâng lên tầm cao mới", Tổng thống Putin nhấn mạnh, không quên khẳng định Mátxcơva sẽ tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác với Bắc Kinh.  

Nga sẽ tái khẳng định mong muốn duy trì quan hệ hiện có với Trung Quốc. Hai bên cũng sẽ đề cập đến nhiều vấn đề liên quan tới sự phát triển tiếp theo của mình, đồng thời tìm kiếm cơ chế phối hợp nhịp nhàng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế cũng như trong nỗ lực xây dựng thế giới đa cực.

Cũng trong chuyến thăm, Nga và Trung Quốc đã ký 12 thỏa thuận về ngoại giao và kinh tế nhằm thúc đẩy thương mại song phương, đồng thời ký thỏa thuận thành lập Quỹ đầu tư chung trị giá 4 tỷ USD. Hai bên cũng đề ra quyết tâm nâng kim ngạch trao đổi hàng hóa song phương từ mức 80 tỷ USD/năm hiện nay lên 100 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD vào năm 2020.

Trong bài phát biểu tại Đuma Quốc gia (Hạ viện) ngay sau lễ nhậm chức 7/5, Tổng thống Nga Putin khẳng định liên kết không gian hậu Xôviết và đưa Nga trở thành quốc gia đóng vai trò lãnh đạo, trung tâm thu hút toàn bộ lục địa Á – Âu là ưu tiên số một trong chiến lược đối ngoại của Nga.

Nay với hai chuyến công du tới châu Á và châu Âu, ông Putin một lần nữa thể hiện rõ ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của mình thông qua cách tiếp cận cân bằng, mềm dẻo và khôn khéo vì lợi ích quốc gia của Nga.

Đức Vũ