Nước cờ quân sự và tính toán chiến lược của Nga sau chính biến ở Syria
(Dân trí) - Nga đã có một số động thái quân sự ở khu vực Địa Trung Hải sau khi chính quyền mà Moscow hậu thuẫn ở Syria sụp đổ.
Nga đã tăng cường đáng kể hoạt động vận tải hàng không giữa Syria và Libya trong những tuần gần đây, báo hiệu sự thay đổi trong trọng tâm chiến lược khi Moscow tìm cách mở rộng sự hiện diện quân sự tại châu Phi và duy trì ảnh hưởng tại Địa Trung Hải.
Theo dữ liệu theo dõi chuyến bay do truyền thông Mỹ phân tích, các máy bay vận tải Antonov AN-124 và Ilyushin IL-76 của Nga đã thực hiện hơn một chuyến bay mỗi ngày kể từ giữa tháng 12 từ căn cứ không quân Hmeimim ở Syria đến căn cứ không quân al-Khadim ở phía đông Libya, gần Benghazi.
Sự gia tăng các chuyến bay này diễn ra sau sự thay đổi quyền lực ở Syria và dường như là một phần trong kế hoạch lớn của Nga nhằm duy trì ảnh hưởng tại khu vực.
Lực lượng HTS đang nắm quyền lãnh đạo Syria vào thời điểm hiện tại phát đi tín hiệu rằng họ sẽ không buộc Nga phải rút căn cứ khỏi quốc gia Trung Đông. Tuy nhiên, Nga dường như đã lên dây cót chuẩn bị cho những diễn biến bất ngờ có thể xảy ra để họ không rơi vào tình thế bị động.
Trong gần một thập niên, căn cứ không quân Hmeimim và căn cứ hải quân Tartus ở Syria đã là trung tâm hoạt động quân sự của Nga tại Địa Trung Hải và các chiến dịch ở châu Phi. Giờ đây, Libya đang ngày càng trở nên quan trọng trong nỗ lực của Nga để gia tăng ảnh hưởng tại Địa Trung Hải.
Các báo cáo trước đó từ quan chức Mỹ và phương Tây chỉ ra rằng Nga đã bắt đầu rút một lượng lớn thiết bị quân sự và nhân lực khỏi Syria. Một số thiết bị này, bao gồm cả hệ thống phòng không tiên tiến, dường như đã được chuyển đến Libya.
Libya, vốn đã có sự hiện diện của Nga từ lâu, đang trở thành một trung tâm quan trọng cho các hoạt động của Moscow tại châu Phi. Nga đã thực hiện các chuyến bay từ Libya đến Bamako ở Mali, nơi mà Moscow đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng sau khi Pháp rút lực lượng khỏi khu vực.
Nga cũng tăng cường quan hệ với Tướng Khalifa Haftar, lãnh đạo lực lượng kiểm soát miền Đông Libya. Các quan chức Nga, bao gồm Thứ trưởng Quốc phòng Yunus-Bek Yevkurov, đã nhiều lần đến Libya để củng cố quan hệ với chính quyền Haftar. Có thông tin cho rằng hải quân Nga có thể đang xem xét các cảng do lực lượng của ông Haftar kiểm soát như một lựa chọn thay thế cho căn cứ Tartus ở Syria.
Libya từ lâu đã bị chia rẽ bởi hai chính quyền đối lập: Chính phủ Đoàn kết Quốc gia (GNU) được Liên hợp quốc hậu thuẫn ở miền Tây và chính quyền của ông Haftar ở miền Đông. Sự đối đầu này đã dẫn đến một trạng thái bế tắc nhưng tương đối ổn định trong thời gian qua.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, việc Nga thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài tại Libya có thể tạo ra thách thức lớn đối với NATO. Khu vực Địa Trung Hải mang ý nghĩa chiến lược đặc biệt đối với Nga, đặc biệt khi Hạm đội Biển Đen của nước này bị hạn chế khả năng tác chiến do xung đột với Ukraine.
Các nhà phân tích cho rằng việc ông Haftar cho phép Nga củng cố sự hiện diện quân sự tại Libya có thể dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ từ NATO và các đối tác toàn cầu, khiến căng thẳng gia tăng. Đồng thời, sự bất ổn chính trị trong khu vực có thể trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt trong bối cảnh biến động tại Syria mới xảy ra.