Lãnh đạo Syria nêu lý do sẽ không buộc Nga rút các căn cứ quân sự
(Dân trí) - Lãnh đạo trên thực tế của Syria Ahmed Hussein al-Sharaa cho biết muốn duy trì mối quan hệ với Nga, một cường quốc quân sự của thế giới.
Chính quyền mới tại Syria do nhóm vũ trang Hồi giáo Hayat Tahrir-al-Sham (HTS) lãnh đạo mong muốn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga, theo ông Ahmed Hussein al-Sharaa.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh Al Arabiya vào ngày 29/12, ông al-Sharaa, người còn được biết đến với cái tên Abu Mohammad al-Julani, gợi ý rằng chính quyền của ông không nhất thiết phải yêu cầu Nga rút các cơ sở quân sự ra khỏi Syria.
Sau khi các nhóm vũ trang do HTS lãnh đạo giành quyền kiểm soát Damascus và buộc cựu Tổng thống Bashar Assad từ chức, số phận của lực lượng Nga đóng quân tại căn cứ Khmeimim và Tartus đã trở thành vấn đề được quan tâm.
Nga hiện điều hành Căn cứ Không quân Khmeimim và một trung tâm hỗ trợ hậu cần tại Tartus, cả hai đều nằm ở bờ biển Địa Trung Hải của Syria. Năm 2017, Nga và Syria đã ký thỏa thuận cho phép lực lượng Moscow đóng quân tại quốc gia Trung Đông trong 49 năm.
Syria có "lợi ích chiến lược" trong việc duy trì quan hệ tốt đẹp với "quốc gia mạnh thứ hai trên thế giới", ông al-Sharaa tuyên bố.
"Chúng tôi không muốn Nga rời khỏi Syria theo cách không phù hợp với mối quan hệ lâu dài" giữa hai quốc gia, lãnh đạo HTS nhấn mạnh. Theo ông al-Sharaa, chính quyền mới ở Damascus mong muốn tránh xung đột với các cường quốc nước ngoài.
Đầu tháng này, ông cũng nói với báo chí rằng "lãnh đạo Syria rất muốn tránh khiêu khích Nga" và sẵn sàng cho phép Moscow "có cơ hội đánh giá lại mối quan hệ với Syria theo cách phục vụ lợi ích chung".
Trong cuộc trao đổi với RIA Novosti vào cuối tuần qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định rằng các thỏa thuận cho phép sự hiện diện của lực lượng quân sự Nga tại Syria vẫn "có hiệu lực" và đã được "ký kết theo các chuẩn mực của luật pháp quốc tế".
Nhà ngoại giao Nga làm rõ rằng Moscow sẵn sàng thảo luận về tương lai của các cơ sở quân sự của mình với chính quyền mới tại Damascus sau khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc tháng 3 năm sau.
Đầu tháng này, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow đang duy trì "liên lạc với các đại diện của các lực lượng kiểm soát tình hình tại Syria, và mọi vấn đề sẽ được giải quyết thông qua đối thoại".
Cũng trong thời gian này, hãng thông tấn Tass trích dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết Moscow đã "có được các bảo đảm an ninh tạm thời, do đó các căn cứ quân sự vẫn hoạt động bình thường".
Ngoài ra, ông al-Sharaa cũng bày tỏ hy vọng chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt áp lên Syria.
Một số nhóm đối lập vũ trang, dẫn đầu bởi HTS, đã tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào cuối tháng 11. Chiến dịch này giúp họ nhanh chóng chiếm được các vùng lãnh thổ rộng lớn khắp Syria chỉ trong vài ngày, đỉnh điểm là việc giành được quyền kiểm soát thủ đô Damascus.
Tốc độ và quy mô của cuộc tiến công đã khiến cả khu vực và cộng đồng quốc tế ngỡ ngàng, khiến chính phủ Syria rơi vào hỗn loạn. Ông Assad buộc phải từ bỏ vị trí tổng thống và sang Nga tị nạn.